Những người thầy đầu tiên
Phòng Văn hóa – Xã hội báo Tin tức là nơi đầu tiên tôi làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Thời điểm mới chân ướt chân ráo vào tòa soạn, tôi – một sinh viên vừa ra trường thực sự bị ấn tượng mạnh, nếu không nói là ngưỡng mộ trước tác phong, tốc độ làm việc chuyên nghiệp của các anh chị đồng nghiệp.
Báo Tin tức khi đó phát hành buổi chiều nên tất cả tin bài thời sự đều phải xong xuôi muộn nhất vào 11 giờ hàng ngày. Trong ký ức tôi đến giờ vẫn in đậm bầu không khí hối hả của tòa soạn vào mỗi buổi sáng, nhất là khoảng tầm 10 giờ, khi các anh chị đi cơ sở lấy tin trở về tòa soạn. Mỗi người một máy tính, ai ai cũng tập trung cao độ gõ bài. Tiếng chuyện trò rất ít, nghe rõ nhất là tiếng trao đổi biên tập tin bài giữa lãnh đạo với phóng viên, tiếng bàn phím gõ rào rào. Cả guồng máy tòa soạn mỗi người một việc, cấp tốc hoàn thiện nội dung để tin bài lên trang, kịp giờ ra báo buổi chiều. Nhiều khi sự gấp gáp của công việc khiến mọi người quên cả bữa trưa. Ăn trưa muộn tầm 13 hoặc 14 giờ chiều là chuyện thường ngày.
Sau những giờ tập trung cho bài vở, buổi chiều là những “khoảng thở” trong tòa soạn. Ngoài cuộc họp giao ban, lúc rảnh, các anh chị nhiệt tình dành cho phóng viên trẻ như tôi những chia sẻ nghiệp vụ quý giá. Tôi vẫn nhớ, tòa soạn những năm ấy có một chiếc điện thoại bàn đặt ở góc của kệ tài liệu trong phòng Thư ký. Đây là nơi chứng kiến nhiều hôm tôi đã đứng nửa tiếng đồng hồ, hoặc hơn thế, chỉ để… thực tập cách gọi điện thoại, dưới sự “giám sát” và “chấm điểm” đánh giá của các anh chị phóng viên cùng phòng với tôi. Số là tôi luôn thấy thiếu tự tin vì mình mới ra trường, mặt mũi trẻ măng, lại chưa có nhiều va chạm và kinh nghiệm trong giao tiếp đối với những người có chức vụ, thẩm quyền trong xã hội nên khi được giao triển khai đề tài nào đó cần những đánh giá khách quan, tiếng nói trọng lượng của người có vị trí xã hội thì tôi rất căng thẳng. Hiểu được “nỗi sợ” này, các chị Thùy Hương, Kiều Trinh… đã khích lệ tôi tập cách gọi điện, trao đổi thật nhiều qua điện thoại cho quen. Thế là tới bất kỳ một sự kiện hay cuộc họp nào, tôi tiếp cận làm quen, xin số điện thoại những người có chia sẻ hoặc trao đổi tại cuộc họp đó, lưu vào một cuốn danh bạ chuyên gia. Cuộc điện thoại có khi là liên hệ đặt lịch hẹn phỏng vấn với nhân vật quan trọng, có lúc là trao đổi để lấy thông tin cho bài viết, chuyên đề bất kỳ. Cứ thế, làm nhiều lần, kỹ năng khai thác thông tin của tôi dần được cải thiện, không còn là trở ngại trong quá trình tác nghiệp. Thậm chí, có những ngày đi phỏng vấn nhân vật về, tôi lại đến nhà chị Kiều Trinh để cùng chị bóc băng, gỡ băng ghi âm cho bài viết.
Những cây bút gạo cội của báo như chú Bùi Văn Doanh, anh Hoàng Giang, chị Ninh Hồng Nga, chị Phạm Tuyết, chị Thùy Hương, Kiều Trinh... đã trở thành những “người thầy” đầu tiên của tôi. Không chỉ được “rèn nghề” từ chính các sản phẩm thông tin qua bàn tay biên tập của các lãnh đạo phòng, mà tôi còn được những đồng nghiệp đi trước giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn chia sẻ và hướng dẫn kỹ năng qua các câu chuyện nghiệp vụ: Cách làm phóng sự hay, cách để chọn lọc thông tin, lẩy vấn đề từ một sự kiện lớn để khai thác. Vừa góp ý cho đề tài, các anh chị còn tư vấn cách lập đề cương, triển khai dàn ý để bài viết có được góc nhìn đa chiều và lượng thông tin phong phú. Từ đây, những đứa con tinh thần của một phóng viên trẻ được trau chuốt và lên khuôn. Suốt nhiều năm, niềm vui của tôi đơn giản lắm: là được cầm trên tay tờ báo mới xuất bản hàng ngày, giở ra tới trang có tin bài ký tên mình, nhất là những ấn phẩm số đặc biệt vào các dịp lễ Tết được in màu rất đẹp; là sự hãnh diện khi mang tờ báo đi biếu, tặng những nhân vật mình phỏng vấn.
Những sự kiện họp báo đầu tiên của tôi là được đi cùng các anh chị đồng nghiệp cùng phòng. Mỗi anh chị được phân công phụ trách một bộ, ngành nên lãnh đạo tạo điều kiện được dự nhiều cuộc họp báo để học cách tác nghiệp tại một sự kiện, từ cách quan sát, lắng nghe thông tin, liên hệ phỏng vấn, lấy thông tin để viết tin bài. Sau mỗi một tin bài, các chị đều tận tình góp ý. Khi ấy, toàn bộ tin bài của phóng viên đều được nộp cho lãnh đạo phòng biên tập trực tiếp trên bản thảo. Sau mỗi lần được chỉnh sửa và góp ý bài vở là một lần kỹ năng viết lách của tôi được tiến bộ hơn. Suốt nhiều năm, tôi đã lưu giữ cẩn thận những tác phẩm chưa hoàn hảo đó như một “cẩm nang” rèn nghề đặc biệt. Có thể kể đến: Bản biên tập của anh Hoàng Giang ở bài viết của tôi về làng nghề truyền thống làm thuốc lào ở Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng rồi loạt bài về xiếc và ảo thuật Việt Nam; bản chỉnh sửa của chị Phạm Tuyết cho loạt bài về phong trào đạp xe xuyên Việt… Có những bản sửa đi sửa lại nhiều lần. Với tôi, đây là “tư liệu quý” trong những ngày đầu làm báo. Đằng sau những tờ A4 chi chít nét bút xanh, đỏ dấu vết của việc được biên tập kỹ lưỡng là bao góp ý nghiêm khắc mà chân thành của các đồng nghiệp tiền bối dành cho tôi với mong muốn cô đồng nghiệp trẻ nhanh chóng tiến bộ.
Tòa soạn đã trải qua nhiều lần sắp xếp cơ cấu, tổ chức và với mỗi lần thay đổi, các phóng viên lại được làm mới mình. Từ phòng Văn hóa – Xã hội, sau khi sắp xếp, tôi được phân công vào phòng Kinh tế - Xã hội. Làm việc chung với các đồng nghiệp mảng kinh tế cũng giúp tôi học hỏi thêm ở các đồng nghiệp. Tại các cuộc họp phòng đánh giá kết quả làm việc tuần trước, đề xuất đề tài cho tuần mới, phóng viên nêu kế hoạch cho những tuyến thông tin, lãnh đạo cho ý kiến. Với tôi, đây cũng là “buổi học nghiệp vụ” quý giá. Tôi lắng nghe cách các anh chị đồng nghiệp thuyết minh đề tài, dự kiến triển khai vấn đề theo ngành, mảng được phân công theo dõi, từ đó áp dụng vào lĩnh vực của mình.
Tôi vẫn nhớ một câu mà chị Ninh Hồng Nga khi đó là Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội luôn luôn nhắc anh em phóng viên trong phòng: “Hãy tìm tòi để có những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống”. Và thực tế, ở Tin tức, dù trong giai đoạn nào, lãnh đạo toà soạn cũng tạo điều kiện tối đa cho phóng viên thử sức và xông pha, hướng về thực tiễn. Tòa soạn luôn ủng hộ phóng viên trẻ đề xuất công tác để phát hiện vấn đề, viết bài. Từ chủ trương đó, những đề xuất của tôi đến những nơi xa xôi để lấy tư liệu từ thực tế, chắt lọc những thông tin từ đời sống của người dân để viết bài đã được khuyến khích. Trước mỗi chuyến đi, các đề tài phóng viên đăng ký, ý tưởng, hướng triển khai được lãnh đạo phòng góp ý và thông qua. Trở về sau mỗi chuyến công tác, những bài viết ấy tiếp tục được biên tập kỹ lưỡng và nâng tầm.
Cuộc đời phóng viên thêm đáng nhớ là nhờ những chuyến đi tới khắp mọi miền đất nước. Báo Tin tức cho tôi cơ hội đó. Những chuyến đi công tác xa đầu tiên của tôi từ Tây Bắc cho đến Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, từ đồng bằng cho đến miền núi, biên giới và cả việc được đi công tác nước ngoài mà tôi trải qua đều trong giai đoạn tôi làm phóng viên của báo. Các chuyến đi đã giúp tôi gom góp chất liệu để viết nên những tác phẩm với tinh thần “mang hơi thở cuộc sống”, theo như phương châm của ban biên tập tòa soạn. Đó là những bài phản ánh về sự hồi sinh ở vùng rốn lũ Hà Tĩnh, về về hành trình thoát nghèo của người dân ở xã thuộc diện 135 của Lào Cai hay những bài viết về sức sống của mảnh đất Na Ngoi huyện biên giới Kỳ Sơn – nơi xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An - vùng phên giậu biên cương của Tổ quốc... rồi những chuyến công tác tới miền Tây Nguyên, Đông Nam Bộ viết về gian nan công tác giữ rừng của những cán bộ kiểm lâm… Những chuyến đi cứ thế nối dài. Hơn cả việc đi để viết, để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, những chuyến đi ấy còn giúp tôi trưởng thành trong nghề, mở rộng vốn sống, mối quan hệ với các đồng nghiệp.
Từ mái nhà Tin tức, tôi may mắn đạt một số giải báo chí trong và ngoài ngành. Giải triển vọng, giải khuyến khích, giải ba... Một số là giải cá nhân, một số tác phẩm là viết chung cùng anh chị đồng nghiệp. Niềm vui lớn hơn khi sau mỗi giải thưởng là sự động viên của toà soạn. Phần thưởng được trao tại các cuộc họp giao ban hoặc nhân dịp những sự kiện lớn của báo. Cũng từ mái nhà Tin tức, tôi đã được bồi dưỡng và kết nạp Đảng, vinh dự trở thành một trong những đảng viên trẻ nhất tòa soạn thời điểm đó.
Những nhiệt huyết tuổi trẻ đơm hoa
Lãnh đạo báo Tin tức luôn khích lệ lớp trẻ tích cực với các hoạt động phong trào. Tin tức là nơi những phóng viên, đoàn viên trẻ được tin tưởng giao việc, không chỉ chuyên môn mà còn trong một số hoạt động chung của tòa soạn. Ngay từ khi bước vào báo Tin tức, tôi đã được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động phong trào của chi đoàn. Chi đoàn với những cán bộ đoàn tiền bối như chị Phạm Tuyết, chị Thùy Hương đã thúc đẩy và khích lệ các cá nhân, trong đó có tôi mạnh dạn chia sẻ những ý kiến, ý tưởng đóng góp cho hoạt động của chi đoàn, từ đó được bầu làm phó Bí thư rồi Bí thư Chi đoàn.
May mắn có sự đồng hành, ủng hộ của các anh chị em đoàn viên thanh niên, chi đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động phong trào ý nghĩa. Từ những hoạt động của Đoàn như Góp sách cho Trường Sa, tổ chức vui chơi cho thiếu nhi nhân dịp 1/6, tổ chức đám cưới nếp sống mới cho đoàn viên chi đoàn, tổ chức chuyến đi từ thiện về vùng cao tặng quà cho học sinh vùng khó khăn đến các chương trình của tòa soạn như liên hoan tổng kết năm, kỷ niệm thành lập báo Tin tức… Chi đoàn báo Tin tức đã khẳng định dấu ấn trong các hoạt động của phong trào thanh niên của toàn ngành.
Môi trường của những hoạt động đoàn đã trao cơ hội để tôi được phát huy những khả năng ngoài chuyên môn và từ đó có cơ hội phát triển. Tôi may mắn được góp mặt trong hoạt động ý nghĩa như về nguồn thăm các địa chỉ đỏ: quê hương nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến ở Hà Tĩnh, về khu lưu niệm Việt Nam Thông tấn xã ở Tuyên Quang hay tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng do đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức tại nhiều tỉnh, thành. Nhiệm kỳ 2012-2017 của Đoàn Thanh niên TTXVN, tôi được bầu Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ. Sau đó, nhiệm kỳ 2017 – 2022, tôi được bầu là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên TTXVN, từ đây có thêm nhiều cơ hội góp sức trẻ vào hoạt động Đoàn của cơ quan. Nếu không có những sự khích lệ của các anh chị cán bộ đoàn lớp trước, ủng hộ và tin tưởng của lãnh đạo tòa soạn báo Tin tức, của tập thể Chi đoàn báo thì có lẽ tôi không có được niềm vinh dự lớn lao đó. Với tôi, mái nhà Tin tức thực sự là nơi những nhiệt huyết tuổi trẻ được nuôi dưỡng và đơm hoa.
Giờ đây, ở tuổi 40, báo Tin tức đang ngày càng phát triển và khẳng định là kênh thông tin đáng tin cậy của Chính phủ. Những nhà báo kỳ cựu hay những nhà báo trẻ cùng lứa với tôi thời điểm đó đều cực kỳ tinh nhuệ, thành thạo các kỹ năng làm báo hiện đại trong kỷ nguyên số. Tôi hôm nay là phóng viên thường trú, tuy không trực tiếp sản xuất thông tin cho tòa soạn nữa nhưng việc đọc tin bài của các anh chị đồng nghiệp cũng là thói quen, không chỉ để cập nhật thông tin mà còn để học hỏi về nghiệp vụ. Tự hào về những sự đổi mới của báo, tôi càng thêm hãnh diện khi giới thiệu mình từng là phóng viên báo Tin tức TTXVN.