Theo đó, Đoàn đã đến kiểm tra công trình hồ chứa nước Sông Sắt (ở huyện Bác Ái), hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, khu dân cư và tuyến đê kè ven biển phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Sau khi nghe báo cáo nhanh của tỉnh Ninh Thuận về tình hình ứng phó với cơn bão số 9 và các đề xuất, Thứ trưởng Trần Văn Thắng đã chia sẻ những khó khăn của địa phương và đề nghị Ninh Thuận tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão số 9 và mưa lũ để chủ động tổ chức trữ nước cho sản xuất và xả lũ đảm bảo đúng quy trình vận hành các hồ chứa nước, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi và khu vực vùng hạ du.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình dân cư cần được di dời, kiên quyết sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhà yếu có nguy cơ ngập nước, sập đổ, không đảm bảo an toàn, đặc biệt ở vùng ven sông, cửa biển có nguy cơ sạt lở đất cao, sóng to gió mạnh, trường hợp cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, theo dõi vị trí các tuyến đê kè ven biển có nguy cơ sạt lở cao do sóng to, triều cường xâm thực mạnh để chủ động ứng phó kịp thời.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, đến 17 giờ ngày 24/11, Ninh Thuận còn 273 tàu với 2.735 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được và đang trên đường vào nơi trú tránh an toàn. Hơn 2.600 tàu thuyền (cả tàu vãng lai) với 13.165 lao động đã neo đậu an toàn tại các bến cảng, khu neo đậu trong tỉnh và thực hiện nghiêm chỉnh lệnh cấm biển.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, hiện nay 21 hồ thủy lợi đã tích được 120,70 triệu m3 nước/194,49 triệu m3; chiếm 62,06% dung tích thiết kế. Các hồ đang xả nước gồm: hồ Trà Co mở 1 cửa van xả 2,3 m3/s; hồ Phước Trung xả 1,11 m3/s; hồ Ma Trai qua tràn tự do 0,21 m3/s; hồ Tân Giang mở 1 cửa van xả 9,5 m3/s; hồ Núi Một qua tràn tự do 0,22 m3/s. Các hồ khác đang tích nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi.
Trong hai ngày 23 và 24/11, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập nhiều đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9. Các lực lượng xung kích, công an, bộ đội cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân các khu vực ven biển chằng chống nhà cửa, đưa ngư lưới cụ khai thác thủy hải sản vào bờ an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Hiện tại, Ninh Thuận đã tổ chức sơ tán 117 hộ với 446 khẩu tại vùng trũng các huyện Ninh Phước, Ninh Hải. Tùy theo tình hình mưa lũ, tỉnh Ninh Thuận dự kiến sơ tán trên 10.000 hộ với trên 39.300 khẩu đến nơi tránh trú an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, đến chiều 24/11, công tác triển khai ứng phó với bão số 9 tại tỉnh đã cơ bản hoàn tất; theo dự báo bão không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh, tuy nhiên các địa phương không được chủ quan. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, đề phòng gió to, sóng lớn và triều cường do ảnh hưởng của bão số 9 để chủ động lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân, các công trình ven biển, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, các vị trí tuyến đê xung yếu ven biển.
Dự báo từ đêm 24/11 đến ngày 27/11, trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận có khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động II đến báo động III, có nơi trên báo động III. Các địa phương cần đề phòng lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi thuộc các huyện Ninh Sơn, Bái Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc; ngập úng vùng trũng thấp thuộc các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1 – 2.