Ấm áp tình người
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân bản Nhãn Cù (xã Tà Cạ, huyện biên giới Kỳ Sơn) đã cùng nhau đưa vật liệu cát sạn lên núi để làm nền nhà cho gia đình anh Lô Văn Quy. Căn nhà cũ nằm cheo leo giữa lưng đồi đã được dỡ bỏ, nhường chỗ cho ngôi nhà mới sắp được dựng lên.
Những bao cát, sỏi nhỏ nặng 20-30kg được các thanh niên trong bản vận chuyển bằng xe máy, phụ nữ không đi được xe máy thì dùng gùi, mỗi gùi cát nặng từ 5-10kg đưa lên đồi. Dòng người hối hả đưa cát, sỏi, vật liệu băng núi, vượt đèo, áo ướt đẫm mồ hôi nhưng những tiếng cười đùa vui vẻ đã phần nào xóa tan sự mệt nhọc trên gương mặt mọi người.
Anh Lô Văn Quy chia sẻ, căn nhà cũ anh dựng cách đây đã hơn 10 năm, giờ hư hỏng, dột nát, nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên không có tích lũy để sửa chữa. Đợt mưa lũ cuối năm 2022 , một bên nhà bị sạt lở, gia đình rất lo lắng. Nay được Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh làm lại ngôi nhà mới, cả 8 thành viên trong nhà ai cũng vui. Có nhà kiên cố sẽ là động lực để gia đình chú tâm làm ăn, cố gắng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Nhìn ngôi nhà mới đang dần hình thành thay thế cho ngôi nhà cũ xập xệ được dựng từ những tấm gỗ tạp, bà Lô Thị Thanh (bản Nhã Lỳ, xã Tà Cạ) rơm rớm nước mắt: "Vui lắm, từ nay không còn chịu cảnh ở trong nhà mà nắng vẫn đến đầu, mưa vẫn đến chân nữa. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm".
Bà Thanh, anh Quy chỉ là hai trong số 48 hộ được hỗ trợ dựng nhà mới ở xã biên giới Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đợt này.
Là xã nghèo chủ yếu dân tộc Mông, Thái… đời sống của bà con xã Tà Cạ chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy, cuộc sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do địa hình toàn đồi núi nên việc xây dựng nền nhà gặp nhiều khó khăn, vất vả, bởi hầu hết nhà nào cũng nằm cheo leo trên núi, việc vận chuyển vật liệu đòi hỏi nhiều công sức. Vì vậy, ngay từ đầu chính quyền xã đã quán triệt "bản nào huy động lực lượng bản đó, trong điều kiện quá khó khăn thì sẽ huy động thêm lực lượng cán bộ công chức xã cùng tham gia". Nhờ vậy, các nền nhà đều sớm hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ lắp ghép.
Ông Vừ Bá Chả, Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ cho biết, đây là chủ trương rất đúng đắn, đề án thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với các gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại địa phương. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, xã phấn đấu về đích nông thôn mới, trong đó có yêu cầu về nhà 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng), đây là tiêu chí rất khó. Tuy nhiên, nhờ có chương trình này mà các hộ nghèo được làm lại nhà nếu không sẽ không thể hoàn thành.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tại huyện biên giới Kỳ Sơn, Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng 1.087 căn nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở. Trong đó, đợt 1 có 500 nhà ở thuộc 9 xã nội địa, đợt 2 gồm 587 nhà thuộc xã biên giới.
Với tinh thần khẩn trương, thần tốc, ngay sau khi có chủ trương, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng nhà ở cho bà con, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó Công an huyện Kỳ Sơn giữ vai trò tiên phong, đi đầu.
Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, ngay sau khi có chủ trương của cấp trên, huyện đã thành lập ban chỉ đạo xuống tận các xã, các bản để triển khai với tinh thần nhanh chóng, khẩn trương. Nhờ công tác tuyên truyền vận động kịp thời nên chủ trương xây nhà cho hộ nghèo đã nhận được với sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Với đặc thù vùng núi, địa hình hiểm trở, mặt bằng xây dựng nhà rất hạn chế, dù nền nhà chỉ rộng hơn gần 50 m2 nhưng phải huy động hàng trăm lượt người để vận chuyện nguyên vật liệu. Với phương châm "nhanh một giờ, bà con có nhà sớm một giờ", hàng trăm lượt chiến sỹ đã được huy động để giúp dân vận chuyển vật liệu, trực tiếp thi công, đào đất, xây móng nhà cho người dân.
Trong khi đó, tại huyện Tương Dương với sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những ngôi nhà đầu tiên đã được hoàn thành và bàn giao cho các hộ gia đình trong niềm phấn khởi.
Theo ông Lữ Văn May, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương, trên địa bàn có hơn 3.100 hộ nghèo, khó khăn có nhu cầu sửa chữa, làm lại nhà. Đây là con số rất lớn gây áp lực lên chính quyền địa phương, bởi hiện nay nguồn lực địa phương rất hạn chế, trong khi nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá cao, vận chuyển gặp khó khăn. Tuy nhiên, huyện Tương Dương xác định đây là cơ hội để các huyện vùng cao xóa nhà tạm bợ, dột nát lâu nay trên địa bàn. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai, huyện đã thành lập ban chỉ đạo chịu trách nhiệm từ huyện đến cấp xã. Cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc với quyết tâm cao nhất, gắn trách nhiệm với người đứng đầu đơn vị, địa phương nhờ đó đã đảm bảo đề án được thực hiện đúng mục đích, đối tượng và tiến độ đề ra.
Bên cạnh, 600 nhà từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh, dự kiến trong năm 2023, từ nguồn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), sẽ có gần 1.000 nhà hộ nghèo sẽ được sửa chữa, xây dựng mới. Ngoài ra, huyện cũng sẽ huy động thêm sự ủng hộ của cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ tranh đang công tác trên địa bàn và từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp với mục tiêu xóa hơn 2.000 nhà tạm bợ, dột nát vào năm 2025.
Qua khảo sát, toàn tỉnh Nghệ An có 15.300 hộ nghèo, hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Với mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An xóa hết nhà tạm, dột nát, tỉnh đã phát động cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Chưa đầy một tháng kể từ ngày phát động, hàng trăm đơn vị đã hưởng ứng đăng ký với số nhà sửa chữa, xây mới dự kiến trên 10.184 căn nhà, khoảng 521 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đối với công tác an sinh xã hội.