Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội và đời sống người lao động. Sau đại dịch, những tác động từ kinh tế thế giới làm cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống người lao động gặp khó khăn lớn. Thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã hỗ trợ người lao động khó khăn như thế nào, thưa ông?
Từ tháng 9/2022 đến nay xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình.
Trước tình hình trên, đầu năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Theo đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã hỗ trợ 3 nhóm đối tượng. Trong đó, nhóm 1 là đoàn viên công đoàn bị giảm giờ làm việc, ngừng việc được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/người. Nhóm 2 là đoàn viên công đoàn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người. Nhóm 3 là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giao Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện chi từ nguồn kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có; trường hợp Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không cân đối được nguồn thì Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện cấp bù cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, bước đầu có 81.065 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền đã chi hơn 113 tỷ đồng.
Chương trình “1 triệu sáng kiến vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động là một trong những hoạt động hiệu quả, tạo động lực giúp người lao động vượt qua khó khăn. Ông có thể cho biết ý nghĩa và kết quả của Chương trình này?
Trong giai đoạn khó khăn đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn trăn trở với nỗ lực của các doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn thách thức, chăm lo tốt nhất cho người lao động. Do đó, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc khôi phục sản xuất, cuối năm 2021, Tổng Liên đoàn đã phát động Chương trình “1 triệu sáng kiến vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” với mục đích động viên người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm trong làm việc, góp phần cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19.
Thông qua Chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn người lao động thể hiện hình ảnh con người Việt Nam giàu trí tuệ, không chỉ làm tốt công việc do doanh nghiệp giao cho, mà còn có nhiều sáng kiến, cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp. Người lao động góp sức vào sự phát triển của doanh nghiệp không phải chỉ bằng cơ bắp mà còn bằng trí tuệ, để việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tính đến tháng 10/2022, Chương trình đã có hơn 1,8 triệu sáng kiến của cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch. Điểm nổi bật là số lượng sáng kiến của công nhân lao động trực tiếp ngày càng tăng nhiều. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39%.
Nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao như sáng kiến “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp” của công nhân Hoàng Văn Thành- Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, có giá trị làm lợi 16 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Đào lò kéo dài dọc vỉa than V7 CB tầng -25/+30 để tận thu tài nguyên” của anh Đỗ Hải Lâm- Công ty than Mạo Khê, giá trị làm lợi 15,9 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Cải thiện lưu trình đóng gói lưu trình hình thể” của chị Lê Thị Minh Thu, Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam, giá trị làm lợi 5,5 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Cải tiến bố cục sắp xếp sản phẩm trên khổ vải và cải tiến máy” của anh Trịnh Văn Hòa, Công ty TNHH Toyota Boshoku Hải Phòng, giá trị làm lợi 7,2 tỷ đồng/năm…
Ông có thể cho biết ý nghĩa của Diễn đàn Người lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 28/7 tới?
Diễn đàn Người Lao động năm 2023 có chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính. Đó là tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động; vấn đề bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho người lao động.
Nội dung tiếp theo là phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật đất đai… Bên cạnh đó, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Diễn đàn tổ chức ngày 28/7/2023 tại Nhà Quốc hội sẽ là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Dự kiến tham gia có khoảng 500 người đại diện cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phổ; công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa lãnh đạo Quốc hội và các lãnh đạo Bộ, Ngành ở Trung ương với đoàn viên công đoàn, người lao động. Đại diện cử tri là đoàn viên công đoàn sẽ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 -2026.
Thông qua Diễn đàn, các đoàn viên, người lao động sẽ nhận thức rõ hơn và thực hành tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo ông, yếu tố gì khiến người lao động gắn bó với tổ chức công đoàn?
Niềm tin chính là cơ sở thiết yếu để người lao động gắn bó bền chặt, lâu dài; tích cực tham gia hoạt động công đoàn, tự nguyện trao quyền đại diện cho tổ chức công đoàn. Nhận thức đầy đủ, đúng mức để có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp, lớp lớp người lao động kế tiếp nhau đặt trọn niềm tin vào tổ chức Công đoàn là mục tiêu then chốt của tổ chức.
Để tạo dựng niềm tin của người lao động với tổ chức Công đoàn, có 4 vấn đề để các cấp công đoàn suy ngẫm và vận dụng trong thực tế. Đó là niềm tin của người lao động với tổ chức Công đoàn từ những vấn đề gần gũi trong cuộc sống của người lao động, nhất là những vấn đề cơ bản nhất trong mỗi giai đoạn; từ những kết quả mang tính căn bản mà tổ chức Công đoàn mang lại cho người lao động; gắn kết bên trong của mối quan hệ giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và thường xuyên được giữ gìn, củng cố để ngày càng chặt chẽ…
Trân trọng cảm ơn ông!