Những phụ nữ không có ngày 8/3

Mỗi năm chỉ có một ngày 8/3, là dịp hàng triệu phụ nữ khắp nơi được tôn vinh, được nhận những bó hoa, món quà ý nghĩa và những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhưng có những người phụ nữ với nỗi lo cơm áo, với gánh nặng mưu sinh oằn trên đôi vai nhỏ bé chưa bao giờ được biết tới một ngày 8/3 trọn vẹn.

Có những người phụ nữ không có ngày 8/3. Ảnh: Internet


Với tốc độ phát triển của thành phố Nam Định, những công trình, dự án xây dựng mọc lên ngày càng nhiều, đội ngũ “phu hồ” ngày càng đông đúc, để tìm thấy lao động nữ làm công việc nặng nhọc tưởng như chỉ của đàn ông này không khó. Họ cũng thoăn thoắt xúc cát, khuân gạch, đá, đẩy những xe cải tiến chất đầy vật liệu, xi măng… không hề thua kém nam giới.

Vừa mạnh tay đảo vữa, chị Ngô Thị Cúc quê ở thôn Đồng Phù (Nam Mỹ, Nam Trực) vừa chia sẻ: “Tôi đi theo chủ thầu xây dựng này đã ngót 5 năm rồi, cứ hết mùa màng gặt hái mà có việc là lại lên thành phố làm. Chồng tôi đi làm ăn xa mãi trong Tây Nguyên, ban ngày tôi gửi hai đứa con cho ông bà ngoại, một đứa lớp bốn, một đứa lớp chín nên chị em cũng tự biết chăm sóc nhau, bố mẹ lại hay đi làm xa từ nhỏ nên chúng cũng quen rồi. Cũng may là nhà ở huyện gần nên tối tôi có thể đạp xe về với con, chứ mấy chị làm cùng quê mãi tận Nghĩa Hưng, Giao Thủy phải thuê nhà trọ ở chung để theo công trình”.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày tháng giêng, chỉ mặc độc chiếc áo bảo hộ mỏng mà trên trán chị vẫn lấm tấm những giọt mồ hôi. Dừng tay buộc lại quai nón đã sờn, chị cười nói: “Như chúng tôi thì làm gì có 8/3, cô bảo tiền công mỗi ngày cho thợ phụ chỉ 120 – 130.000 đồng, mà không phải lúc nào cũng có việc thường xuyên, gom góp cả tháng đủ tiền ăn học cho con là mừng lắm rồi. Chồng tôi ở xa, có gọi điện cũng chỉ hỏi thăm con cái, công việc nhà cửa một chút rồi nhanh nhanh bảo tắt máy không có… tốn tiền. Có khi cũng chả nhớ đó là ngày gì.”

Chung hoàn cảnh như các “phu hồ” nữ không phải là hiếm, hầu hết những người phụ nữ nghèo làm công việc lao động tay chân mà chúng tôi gặp đều trả lời: mùng 8/3 với họ không hề có điều gì đặc biệt. Thậm chí với nhiều người, khoảng thời gian đó còn là thời điểm mà họ phải tất bật, vất vả hơn ngày thường. Chị Hoàng Thị Hường là công nhân vệ sinh đã hơn hai mươi năm, chồng chị - anh Nguyễn Đăng Tuấn cũng là đồng nghiệp cùng Công ty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định. Tranh thủ ngồi nghỉ bên vỉa hè, cách đó không xa là chiếc xe đẩy chất đầy vật liệu phế thải, chị chia sẻ: “Ngày thường thì ca làm bắt đầu từ 4 giờ 30 tới 8 giờ sáng, rồi lại từ 4 giờ chiều đến qua 9 giờ tối, những dịp lễ, Tết chúng tôi thường xuyên được bố trí tăng ca, vì lượng rác thải dân sinh cũng như từ các cơ quan, doanh nghiệp những ngày này đều nhiều hơn.” Dừng mấy giây kéo chiếc khẩu trang bịt kín, chị cười đùa: “8/3 cũng vậy, gần như thời gian cả ngày đều ở ngoài đường, đón ngày quốc tế phụ nữ với khói, bụi và …rác thôi. Chồng tôi làm cùng nghề, những ngày này cũng bận bịu suốt. Cả nhà muốn ngồi cùng nhau ăn bữa cơm tối cũng khó, nói gì đến hoa với quà.”

Nghe chị Hường nói vậy, một chị khác làm cùng tổ vui vẻ góp chuyện: “Mấy năm nay phải làm thêm ca tối, cũng lâu rồi không nhận được hoa ngày 8/3. Nhưng hôm sau đi làm chúng tôi lại nhặt được rất nhiều những bó hoa còn tươi, đẹp mà đã bị bỏ, nhiều người tiếc nên đem về cắm, như thế rồi tự an ủi là mình cũng có quà.” Với đặc thù công việc, có thể nói các chị là những người phụ nữ đón ngày 8/3 sớm nhất, cũng là những người vất vả nhất. Từ tinh mơ rồi đến tận tối mịt, trong màn đêm, bóng những nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài công việc quen thuộc. Họ sẽ dọn dẹp lại thành phố sau một ngày náo nhiệt. Tiếng chổi đêm của họ, bóng dáng cần mẫn của các chị sau những xe rác nặng trĩu đang thầm lặng làm đẹp thành phố đã quen thuộc với mỗi người.

Chị Hường cũng chỉ là một trong nhiều người đón ngày 8/3 sớm hơn những phụ nữ khác. Vì cơm áo, nhiều phụ nữ lao động đã không được hưởng một ngày Quốc tế phụ nữ đúng nghĩa. Chợ đêm Phạm Ngũ Lão lúc gần năm giờ sáng, bóng tối mờ mờ và cái lạnh se sắt của buổi sớm cuối tháng giêng dường như không ảnh hưởng gì đến khung cảnh xôn xao, tấp nập nơi đây. Người bán, người mua chủ yếu đều là phụ nữ. Họ là những người trồng hoa ở làng hoa Phù Long, Nam Phong, những người trồng rau, hoa quả, nông sản từ các xã, huyện ven thành phố mang hàng hóa của mình tới chợ đêm để “đổ buôn” cho các thương lái. Tay vẩy nước cho đống rau tươi chất trên mảnh vải bạt, chị Nguyệt (xã Nam Dương, Nam Trực) chia sẻ: “Ngày đi chợ của tôi bắt đầu từ hơn một giờ sáng, đi hái rau, bó rau rồi chất vào sọt đạp xe vào thành phố thì cũng vừa lúc chợ đêm bắt đầu họp. Mùa nào tôi tính thức ấy buôn bán kiếm tiền nuôi con. Đi chợ đêm vất vả hơn gấp mấy lần nhưng bù lại cũng dễ buôn bán. Nhà tôi có ba đứa, đứa lớn đang học đại học trên Hà Nội, mỗi tháng tiền ăn học cũng “ngốn” quá nửa tiền đi chợ của tôi rồi. Vợ chồng dành dụm làm ăn cốt sao lo đủ được cho con cái, mùng 8/3 cũng chỉ như ngày thường thôi, tiền hoa với quà tôi bảo chồng để dành mua thứ gì ngon về cả nhà cùng ăn là hơn.”

Xã hội phân công cho mỗi người một công việc, một vị trí, nhưng đều là phụ nữ, mỗi người đều có quyền được hưởng những gì tốt đẹp, nhất là những người phụ nữ giàu đức hy sinh, với niềm hạnh phúc giản đơn chỉ là được chăm lo cho gia đình và những người mình yêu thương. Họ - nhiều phụ nữ nghèo không may mắn được đón một ngày 8/3 không trọn vẹn, hoặc vì gánh nặng cơm áo mà buộc phải chối bỏ niềm vui đó của mình đều đang góp phần làm đẹp cho đời, cho xã hội và xứng đáng được tôn vinh.



Hiền Hạnh
VietJetAir dành 3.000 quà tặng cho ngày 8/3
VietJetAir dành 3.000 quà tặng cho ngày 8/3

Vào đúng ngày 8/3, VietJetAir sẽ tặng quà cho tất cả hành khách nữ đi trên tất cả các chuyến bay...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN