Khoa xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng có tất cả 11 người, trong đó có 4 người trực tiếp xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, 7 người thực hiện lấy mẫu.
Đối với các nhân viên y tế tại Khoa xét nghiệm, những ngày đầu khi bắt tay vào xét nghiệm dịch bệnh COVID-19 là khoảng thời gian khó khăn, với lượng công việc khổng lồ, áp lực cao độ. Họ đối mặt trực tiếp với nguy hiểm, khả năng bị nhiễm bệnh cũng rất lớn. Chiếc áo blouse trắng của các y, bác sĩ được thay bằng bộ áo quần bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, nóng nực, khó chịu nhưng họ vẫn kiền trì mặc nó suốt ca trực, có khi kéo dài 8-10 7 tiếng đồng hồ, chuyên tâm vào công việc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng là một trong những người trực tiếp làm việc, hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm. Trong thời gian đầu thực hiện xét nghiệm dịch bệnh, chị phải làm việc từ 7 giờ sáng hôm trước cho đến 2 giờ sáng hôm sau. Gần 3 tháng qua, chị và những nhân viên y tế trong phòng xét nghiệm, quên ăn, quên ngủ, đôi khi chỉ chợp mắt trong mấy phút, rồi tiếp tục lao vào công việc.
Cởi bỏ bộ áo quần bảo hộ, khuôn mặt chị hiện rõ sự hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, mệt mỏi, vết hằn của bộ đồ còn lằn đậm trên khuôn mặt. Chia sẻ về công việc, chị Nhàn tâm sự: “Công việc này đòi hỏi phải rất tỷ mỉ và cẩn thận, mọi lỗi sai sẽ dẫn đến kết quả bị lệch. Đặc biệt, với loại virus SARS-CoV-2 có nhiều biến chủng rất khó để nhận biết, nên cần phải nắm thật kỹ các thể và thường xuyên cập nhật thông tin của virus theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.
Mặc dù là người góp công rất lớn trong công tác chống dịch nhưng bác sĩ Nhàn không muốn nói về mình. Chị Nhàn tủm tỉm cười: “Đây là nhiệm vụ tôi phải làm, nên tôi thấy rất bình thường. Bên ngoài còn nhiều người phải khổ cực, chịu nguy hiểm hơn tôi”.
Dù vất vả, mệt nhọc, nhưng phía sau bác sĩ Nhàn luôn có sự ủng hộ, góp sức của cả gia đình. “Tôi luôn được sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình. Những lúc mệt mỏi, tôi lại gọi điện thoại cho con, nghe giọng con tôi như được tiếp thêm năng lượng. Nhờ vậy, tôi có thể dồn tâm lực vào công việc”.
Theo chị Nhàn, công tác xét nghiệm là hoạt động rất quan trọng, góp phần kiểm soát dịch bệnh, phục vụ kịp thời cho công tác phòng chống dịch. Vì vậy mọi người tại Trung tâm rất quyết tâm, cố gắng, tìm mọi biện pháp để rút ngắn thời gian, đưa ra kết quả mẫu bệnh nhanh nhất có thể.
Cũng giống như bác sĩ Nhàn, bác sĩ Lê Thị Kim Chi (sinh năm 1986) cũng là một trong những thành viên tích cực trong phòng xét nghiệm. Khi mới bắt đầu thực hiện xét nghiệm, chị có cảm giác lo lắng. Tuy nhiên sau quá trình làm việc, được sự giúp sức hỗ trợ của đồng nghiệp, chị đã nhanh chóng nắm được kỹ thuật và hoàn thành nhanh nhất công việc được giao.
Bác sĩ Chi cho hay: “Trong những ngày này, chúng tôi như bị cuốn vào công việc, lượng việc nhiều, cường độ làm việc gấp nhiều lần so với trước. Có khi đến giờ ăn cơm tôi cũng phải mặc bộ áo quần xét nghiệm trên người, chợp mắt mấy phút rồi lại lao vào công việc”.
Chị Chi cũng có hai con nhỏ, với lượng công việc lớn chị không có thời gian để về nhà, đôi khi nhớ con chị cũng chỉ chạy về thăm con chớp nhoáng rồi lại nhanh chóng đến cơ quan. “Tôi rất vui vì có thể góp chút sức vào công tác chống dịch mong sao cho bệnh dịch nhanh chóng được đẩy lùi”, chị Chi tâm sự.
Ngoài những những bác sĩ thực hiện xét nghiệm, còn có những nhân viên kỹ thuật trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đang ngày đêm thầm lặng hy sinh bản thân, nỗ lực chống dịch. Mỗi ngày họ phải tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn người với nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập. Tuy vậy họ vẫn luôn lạc quan, nhiệt tâm, bất chấp nguy hiểm trở thành “lá chắn thép” ngăn chặn dịch bệnh.
Tính đến ngày 10/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã thực hiện 3.981 xét nghiệm trong đó 6 mẫu dương tính và 3.975 mẫu âm tính.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Hóa cho biết: Sau khi Bộ Y tế cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng được làm xét nghiệm, Trung tâm đã chia ca để đẩy nhanh tiến độ, phục vụ kịp thời cho công tác chống dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai các biện pháp tối ưu nhất để rút ngắn thời gian thực hiện xét nghiệm từ 48 tiếng xuống còn 12 tiếng.
Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu bắt đầu cuộc chiến chống dịch, bác sĩ Nguyễn Hóa tâm sự: Trong thời gian đầu, công tác lấy mẫu còn gặp nhiều vướng mắc, nhân viên ít nhưng khối lượng công việc lớn. Vì vậy, Trung tâm đã triển khai tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu cho các nhân viên y tế của các cơ sở y tế quận huyện. Đến nay, việc xét nghiệm, lấy mẫu được tiến hành nhanh gọn, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh, kiểm soát người bị nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, để kiểm soát bệnh dịch được hiệu quả, các nhân viên trực thường xuyên đường dây nóng. Mỗi ngày đường dây nóng của Trung tâm nhận hàng trăm cuộc điện thoại thông báo về tình hình dịch bệnh và nhận tư vấn của trung tâm. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chủ động, tập trung lực lượng để thực hiện kiểm soát bệnh dịch hiệu quả. Đồng thời, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng mạng lưới chống dịch, thành lập các tổ, đội phản ứng nhanh, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh.