Những 'anh hùng' cứu nạn bên Đèo Cón


Từ nhiều năm nay, 9 tình nguyện viên trong tổ chốt cứu hộ, cứu nạn Chữ thập đỏ khu Ngả Hai - Đèo Cón, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) được biết đến như những “anh hùng” cứu nạn bên Đèo Cón. Dù đêm hay ngày, mùa đông giá rét hay lúc mưa to bão lụt, anh em trong tổ chốt cứu hộ Chữ thập đỏ luôn có mặt kịp thời để cứu hộ cứu nạn, đưa người bị thương đi cấp cứu.


Khu vực Đèo Cón thuộc địa bàn xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn được xem như là một điểm đen về giao thông, là “hố tử thần” kinh sợ của mỗi người khi đi qua đây. Đoạn đèo dài chưa đầy 9km, nằm trên quốc lộ 32B nhưng dốc cao, vực thẳm, tả luy có nơi sâu đến hàng trăm mét, nhiều đoạn đường cua uốn cung, khúc khuỷu, độ dốc đến hơn 10%.

Ảnh minh họa: anninhthudo.vn


Đây là giao điểm của 3 tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe qua lại. Trên đoạn đường này đã xảy nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, làm chết nhiều người, gây thiệt hại không nhỏ đến tính mạng và tài sản của người dân.

Anh Hà Văn Phượng, tổ trưởng Tổ cứu hộ, cứu nạn cho biết: Chứng kiến nhiều tai nạn thảm khốc, nhiều cái chết thương tâm, anh em trong Ban Công an xã, Hội Chữ thập đỏ và lãnh đạo chính quyền xã Thu Cúc đã bàn nhau thành lập tổ cứu hộ, cứu nạn nhằm tự nguyện cứu giúp những người gặp nạn.

Năm 2001, Tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón ra đời với nòng cốt là 6 thanh niên tình nguyện; đến nay tổ đã có 9 thành viên hoạt động thường xuyên. Từ khi thành lập đến nay, tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón đã tham gia cứu nạn trên 100 vụ tai nạn, cứu sống hàng trăm mạng người và bảo đảm an toàn tài sản của người bị nạn.

Chỉ tính riêng trong năm 2010, tổ cứu hộ đã tham gia cứu hộ 16 vụ tai nạn giao thông, giúp đỡ 20 người bị thương; đưa 14 người bị thương nặng đi cấp cứu kịp thời.

Từng tham gia cứu nạn nhiều vụ, song để lại ấn tượng nhất cho anh Phượng và các anh em trong tổ là vụ tai nạn xảy ra lúc 9h20' ngày 20/10/2009. Chiếc xe ôtô BKS 19L-5929 do anh Đỗ Thanh Hải điều khiển đi từ hướng Phù Yên sang Thu Cúc, đã bất ngờ đâm vào xe ôtô BKS 29X-5522 do anh Đỗ Đức Mạnh điều khiển, khiến cả hai xe bị hư hỏng nặng...

Tình huống lúc đó vô cùng nguy hiểm; hai chiếc xe nằm lưng chừng núi, tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc", chỉ cần một lực tác động, chiếc xe có thể bị rơi xuống vực sâu bất cứ lúc nào. Anh Phượng cùng các anh em trong tổ đã dòng dây, thay nhau đưa từng người lái xe lên bờ an toàn. Nhiều người chứng kiến cảnh tượng ấy cũng không khỏi rùng mình, thót tim. Nhờ được cứu hộ và đưa đi cấp cứu kịp thời, 2 người lái xe đã được cứu sống.

Nhiều người cho rằng các anh là những người "điên”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", nhưng với tấm lòng nhân ái, tinh thần tự nguyện vì cộng đồng, các anh không quản ngại khó khăn, chỉ cần nghe tin có người gặp nạn là họ lại vội vàng lên đường.

Hơn mười năm làm việc nghĩa, các thành viên tổ cứu hộ, cứu nạn đã cứu sống được rất nhiều người, có những người họ nhớ tên, có những người chẳng biết các anh là ai. Khi làm công việc thiện, các anh không tính toán, không nhận được một đồng tiền công, chỉ thầm lặng làm công việc của mình. Với các anh, cứu người là mệnh lệnh, là việc làm tình nghĩa.



Lâm Đào An


Cứu hộ, cứu nạn còn nhiều khó khăn

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho biết, để tăng cường năng lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, sắp tới, Trung tâm điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn của UBQG tìm kiếm cứu nạn sẽ được xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN