Nhiều vườn đào phai Ninh Bình chết khô sau mưa lũ, dân trồng đào lao đao

Trận mưa lũ kéo dài trong tháng 10/2017 đã khiến hàng nghìn cây đào phai từ 1 đến 3, 4 năm tuổi chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2018 của người dân xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) bị ngập úng, vàng úa, héo rũ dẫn đến chết khô.

Vườn đào phai trồng ở khu vực trũng đã chết khô của hộ ông Phạm Đình Thạo, xóm 7, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp.Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đông Sơn là xã có diện tích trồng đào phai lớn trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Những tháng cuối năm là thời điểm người dân tích cực chăm sóc đào để cây đâm chồi, nảy lộc, nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán 2018, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do trận mưa lũ kéo dài vừa qua, các thửa ruộng, vườn trồng đào bị ngập kéo dài cả tuần mới rút cạn, làm 43/150 ha đào phai ở xã Đông Sơn bị ngập sâu trong nước dẫn đến đào bị chết.

Ông Phạm Đình Thạo (xóm 7, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) cho biết: Năm nay, gia đình trồng hơn 130 gốc đào phai để phục vụ Tết Nguyên đán. Trước trận mưa lũ kéo dài, vườn cây đang phát triển tốt, nhiều cây to có thế đẹp, ước tính khi xuất bán sẽ cho thu lãi cao. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa rồi làm vườn đào bị ngập kéo dài, khiến hơn 100 gốc đào của gia đình bị chết do úng nước, một số cây đang héo dần và có biểu hiện phát triển kém. Ông Thạo chia sẻ, với điều kiện tự nhiên sẵn có cùng chất đất phù hợp, kết hợp với bàn tay chăm sóc khéo léo, tỉ mỉ của người trồng, đào phai Đông Sơn thường đẹp cả về thế cây cho đến màu sắc của hoa. Ước tính sơ bộ gia đình ông Thạo thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Chung cảnh ngộ như gia đình ông Thạo, số lượng lớn đào phai của gia đình ông Ninh Văn Mạnh, hộ dân trồng đào phai lâu năm ở xã Đông Sơn cũng bị héo rũ, vàng úa. Ông Mạnh cho biết: Đào phai là loại cây phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Vốn là loài chịu hạn nên khi bị úng như đợt mưa lớn vừa qua sẽ khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng. Đợt mưa lũ vừa rồi diện tích đào phai trồng ở khu vực thấp của gia đình bị úng chết hơn 50 cây.Phần lớn là những cây trồng lâu năm, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao. Gia đình đang tập trung chăm sóc những cây còn sống. Trên diện tích đào bị chết, trước mắt, gia đình cải tạo lại đất để trồng xen canh lạc và cây dong riềng.

Người dân xã Đông Sơn chăm sóc diện tích đào còn lại sau đợt lũ. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Đông Sơn, từ tháng 10 đến nay, có khoảng hơn 4.000 gốc đào độ tuổi từ 1 đến 3, 4 năm của người dân nơi đây bị chết. Nguyên nhân được xác định do đợt mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nặng trong tháng 10 vừa qua. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn Lê Văn Sỹ cho biết, đào phai đã trở thành thương hiệu đào nổi tiếng của mảnh đất Đông Sơn. Đây cũng là cây trồng đem lại thu nhập lớn cho người dân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tết Nguyên đán 2018 đang đến gần nhưng một diện tích lớn đào phai bị chết khiến nhiều hộ gia đình ở đây bị thiệt hại nặng.


Theo ông Lê Văn Sỹ, trước mắt, chính quyền địa phương chỉ đạo Hội Nông dân tập trung kêu gọi người dân xử lý nhanh những diện tích đào đã chết không thể khôi phục để trồng tiếp diện tích đào mới. Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn người dân tập trung đào rãnh thoát nước, vun cao luống đào để đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, giúp cây đào không bị ngập úng nếu có mưa kéo dài. Với diện tích đào còn lại cần xử lý kịp thời như bón thêm phân, đạm để cây ra rễ mới, nâng cao sức đề kháng. Người dân có thể khắc phục bằng việc chuyển đổi tạm thời sang trồng các loại rau màu, hoa, cây cảnh ngắn ngày khác để bù đắp thiệt hại do đào chết.

Thùy Dung (TTXVN)
Ninh Bình nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển
Ninh Bình nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển

Kim Sơn là huyện ven biển của tỉnh Ninh Bình, gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, ngành dân số nơi đây đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dân số thông qua việc tuyên truyền và vận động người dân thay đổi nhận thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN