Tính đến nay, mới có 42 khu tái định cư trong tổng số 147 khu tái định cư được hoàn thành, đạt khoảng 28,5%. Các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình lập dự án và triển khai thi công.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo quy định, toàn bộ việc giải phóng mặt bằng hiện nay được lập thành các tiểu dự án và giao cho địa phương làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, năng lực của chủ đầu tư là cấp huyện còn hạn chế so với chủ đầu tư là các đơn vị cấp tỉnh, nhất là đối với việc di dời hạ tầng kỹ thuật.
Thực tế này đòi hỏi UBND cấp tỉnh cần nghiên cứu thay đổi trong quản lý, có thể giao cho chủ đầu tư là cấp sở (giao thông vận tải, công thương). Những cơ quan này sẽ có chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn trong lập, thẩm định hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu.
Về tái định cư, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay, dù được Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù nhưng thủ tục triển khai vẫn cần có thời gian, từ việc phê duyệt quy hoạch, lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn, lựa chọn nhà thầu xây lắp…
Trong tổng số hơn 100 khu tái định cư, hiện mới hoàn thành được gần 30%, chưa đáp ứng giao nền tái định cư cho hộ dân, làm chậm việc giải phóng mặt bằng. Theo thống kê, đến nay việc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và bàn giao khoảng 653 km trong tổng số 721,25 km, đạt khoảng 90,5%.
Về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đối với đường dây 220 - 500 kV đang di dời 77/143 vị trí; đường dây 110 kV và đường dây trung, hạ thế, đang triển khai di dời 562 trong tổng số 1.531 vị trí, hiện đã hoàn thành 257 vị trí.
Ghi nhận tại cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ cũng đang khó khăn về mặt bằng do chưa có khu tái định cư để chuyển người dân sang. Cụ thể, tại gói thầu XL01, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh Đoàn 12), đảm nhận thi công 8 km đường và 6 cầu thuộc gói thầu XL1. Trung tá Phạm Minh Phương, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 6, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thông tin, thời gian tới nếu khó khăn về mặt bằng không được giải quyết sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của nhà thầu. Bởi phần đường mà nhà thầu đảm nhận là 8 km tới nay địa phương mới bàn giao được hơn 4 km. Tuy nhiên, trong hơn 4 km mặt bằng sạch này nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công được là 2,44 km, còn lại đều vướng nhà dân chưa di dời hoặc vướng các công trình sinh hoạt.
Đối với phần cầu, địa phương đã bàn giao cho nhà thầu được mặt bằng đạt 83% (5 trong 6 cầu). Vì vậy, nhà thầu đã triển khai thi công được 4 cầu, riêng cầu An Mã 2 đã có mặt bằng nhưng dân chưa thu gom cây cối và chưa có đường tiếp cận vào. Đặc biệt, cầu Mỹ Đức 2 chưa có mặt bằng để triển khai.
Đảm nhận thi công 5,4 km tuyến chính và nút giao Cự Nẫm tại gói thầu XL1 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, ông Phạm Đình Tài, Chỉ huy trưởng gói thầu thuộc Tổng công ty 36 cho biết, theo biên bản bàn giao, diện tích mặt bằng đạt hơn 80%, còn khoảng 1,2 km, song thực tế mặt bằng bị chia làm 2-3 đoạn "xôi đỗ". Việc vận chuyển vật tư, vật liệu phải vòng ra đường Hồ Chí Minh, phát sinh đáng kể chi phí.
Với cao tốc Vân Phong - Nha Trang, đại diện lãnh đạo ban điều hành thuộc Ban Quản lý dự án 7 cho biết, trong tổng số hơn 83 km chiều dài tuyến, đến nay chủ đầu tư, nhà thầu đã được bàn giao 89% diện tích mặt bằng, thực tế thi công được khoảng 87% tương đương khoảng 72 km. Đáng chú ý, hiện một số vị trí trọng yếu chưa thể thi công do mặt bằng còn "xôi đỗ".
Điển hình là khu vực nút giao Cổ Mã trên địa bàn huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa còn 13 hộ dân trong diện tái định cư chưa di dời do gặp vướng mắc trong công tác áp giá đền bù. Nút thắt này khiến 5 km đầu tuyến nhà thầu chưa thi công được do không có đường vận chuyển vật liệu. Trên địa bàn huyện Vạn Ninh tồn tại 400 m chiều dài tuyến trước hai tịnh xá chưa giải phóng được. Tiến độ thi công cầu chậm khoảng 6 tháng so với kế hoạch.
Một thách thức lớn trên mặt bằng thi công dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang hiện nay là việc di dời hạ tầng kỹ thuật. Theo đại diện ban điều hành dự án, trong tổng số 167 vị trí, chưa công trình nào được di dời, các địa phương mới đang trong quá trình lập hồ sơ thẩm định.
Tại dự án Chí Thạnh - Vân Phong trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mặt bằng cũng đang là rào cản lớn. Báo cáo của chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án 7 cho biết, trên tổng chiều dài hơn 48 km của dự án, mặt bằng toàn tuyến hiện đã bàn giao gần 96%; trong đó, phần nhà thầu có thể tiếp cận thi công đạt hơn 90%. Diện tích chưa bàn giao chỉ còn khoảng 2 km nhưng lại phân bổ "xôi đỗ" khiến mặt bằng bị chia cắt, nhà thầu gặp khó khi triển khai thi công.
Theo dự kiến, trong một tháng tới Phú Yên sẽ vào mùa mưa, việc thi công đào, đắp nền đường sẽ gặp khó, ông Trương Công Đạt, Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu XL01 dự án Chí Thạnh – Vân Phong cho biết, liên danh nhà thầu đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư làm việc, đề nghị cấp có thẩm quyền địa phương phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước ngày 15/9/2023.
Tại dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, trên tổng chiều dài gần 38km, dự án Cần Thơ - Hậu Giang đã được bàn giao hơn 37km tuyến chính cao tốc, đạt 99% và 100% mặt bằng tuyến nối. Hiện, các nhà thầu đã tiếp cận để thi công được 100% mặt bằng tuyến chính và 9 km tuyến nối đạt 97% mặt bằng được bàn giao.
Với dự án Hậu Giang - Cà Mau, mặt bằng tuyến chính được bàn giao xấp xỉ 72 km, đạt 96% thực tế thi công được gần 69 km; Tuyến nối Cà Mau bàn giao và thi công được gần 14 km, đạt 84%. Đáng chú ý, đa số các hộ còn lại chủ yếu sinh sống ven kênh, rạch, đường giao thông (các vị trí thi công cầu của dự án) đều chờ bố trí nền tái định cư nên chưa thể bàn giao mặt bằng để nhà thầu triển khai đóng cọc; trong đó, phục vụ giải phóng mặt bằng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, hai khu tái định cư tại Hậu Giang mới bắt đầu triển khai từ cuối tháng 8 nên chưa xong.
Tại dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau, hai khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đang được xây dựng, dự kiến cuối tháng 9/2023 mới có thể bàn giao nền. Một khu tái định cư tại Kiên Giang mới hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa xây dựng.
“Vướng mắc lớn nhất là một số hộ khó khăn trong việc tìm nơi ở mới, do đặc thù vùng nông thôn không nhiều nơi để thuê nhà ở nên phải chờ bố trí tái định cư. Thực tế trên đòi hỏi các địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục, bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân. Nếu việc tái định cư còn chậm trễ, cao tốc Bắc - Nam sẽ khó có được mặt bằng sạch 100% trong quý III/2023 như chỉ đạo của Chính phủ", ông Lê Đức Tuân cho hay.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), dưới sự quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, các nhà thầu đang nỗ lực khắc phục khó khăn, luỹ tiến sản lượng từng ngày nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tính đến cuối tháng 8/2023, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đã giải ngân được gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch vốn được giao.
Một số dự án có kết quả giải ngân chưa được như kế hoạch đăng ký như: dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi của Ban Quản lý dự án Thăng Long đạt 84%; đoạn Chí Thạnh - Vân Phong của Ban Quản lý dự án 7 đạt 83%; đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban Quản lý dự án 2 đạt 84%; đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh của Ban Quản lý dự án 85 đạt 85%. Một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các dự án do giải phóng mặt bằng chưa được như kỳ vọng.