Nguy cơ mất an toàn từ camera ‘trôi nổi’

Camera giám sát là thiết bị ngày càng phổ biến với các hộ gia đình tại Việt Nam, nhưng chưa được bảo vệ đúng mức. Đại đa số camera được các hộ gia đình sử dụng hiện nay là những thiết bị giá rẻ từ 200.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng, được bán trôi nổi, trực tuyến. Nếu bị tấn công mạng, nguy cơ lộ thông tin là hiện hữu và để lại hậu quả lớn.

70% camera không được cập nhật lại mật khẩu

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty NCS nhận xét, có thể xem camera như máy tính đặc biệt, vì có thể nghe, nhìn, suy nghĩ (nếu tích hợp AI), phát hiện vật thể, không gian quan sát. Camera luôn online 24/24, ít được vá lỗi, gần như không được cập nhật bản vá, phần mềm diệt virus. Do đó, nếu bị tấn công sẽ không có ai bảo vệ.

Chú thích ảnh
Một số mẫu camera được doanh nghiệp trong nước giới thiệu.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cho rằng, camera dù nhỏ bé, đơn giản nhưng phức tạp, gồm các phần quang, phát sóng - wifi và mạng LAN. Với hai giao diện mạng như vậy, camera có thể thành thiết bị để thu thập thông tin. Một camera đặt trong nhà sẽ giống như máy tính có hệ điều hành, có ghi âm, có hình ảnh. Do đó, nếu có lỗ hổng, thiết bị camera hoàn toàn có thể gửi thông tin ra ngoài.

Dù là thiết bị phổ biến và quan trọng, người dùng vẫn chưa có ý thức bảo vệ an toàn thông tin cho camera giám sát. Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết, tại Việt Nam, chưa có vụ tấn công nào lớn nhưng tình hình cũng đã đáng báo động. Năm 2020, số camera không được cập nhật mật khẩu lên tới 70%. Năm 2023, một số hacker rao bán quyền truy cập camera tại Việt Nam, có những hệ thống lên hơn tới 100.000 camera. Số tiền bỏ ra để xem cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 800.000 đồng để truy cập 15 camera.

Ông Vũ Ngọc Sơn chỉ ra 6 nguyên nhân chính dẫn đến mất an toàn thông tin đối với camera như: Người dùng đặt mật khẩu yếu, dùng chung mật khẩu, dùng tài khoản khác để quản trị hệ thống camera như Facebook, Google...; không đổi mật khẩu khi nhận bàn giao từ kỹ thuật viên; camera có lỗ hổng zero day; không cập nhật bản vá; máy chủ lưu trữ có lỗ hổng và bị hacker tấn công; phân quyền không chặt.

Nếu bị tấn công camera giám sát, người dùng sẽ nhận hậu quả nghiêm trọng. Đối với hộ gia đình, vấn đề đầu tiên là quyền riêng tư bị xâm phạm, tiếp đến là nguy cơ bị tống tiền vì những hình ảnh riêng tư, âm thanh nhạy cảm hoặc các hành vi phạm tội khác. Chẳng hạn, hacker có thể dùng hình ảnh, âm thanh thu thập được qua camera giám sát để làm deepfake lừa đảo hay theo dõi từ xa.

Clip ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chia sẻ về nguy cơ lộ hình ảnh, dữ liệu khi bị tấn công mạng và giải pháp ngăn chặn:

Do đó, để tránh nguy cơ mất an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu từ camera giám sát, ông Vũ Ngọc Sơn đưa ra một số khuyến nghị cho người dùng như: Cần chọn camera xuất xứ rõ ràng, công bố nơi lưu trữ video, chính sách bảo mật dữ liệu cho người dùng; đổi mật khẩu ngay khi nhận bàn giao, sử dụng xác thực hai yếu tố; chọn vị trí lắp đặt phù hợp, tránh lắp vị trí nhạy cảm, tại khu vực quan trọng bắt buộc lắp đặt camera đạt chuẩn, tránh trường hợp bị lộ lọt thông tin quan trọng, cấu hình truy cập tối thiểu; thường xuyên theo dõi, cập nhật bản vá lỗi.

Ông Vũ Ngọc Sơn cũng lưu ý đến cảm biến hình ảnh của bảng quảng cáo lắp trong thang máy các chung cư, thực chất cũng là dạng camera đang thu thập dữ liệu cư dân. “Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có hàng trăm chung cư lắp những bảng quảng cáo có gắn cảm biến hình ảnh, cần đưa vào tiêu chuẩn kiểm soát nơi công cộng”, ông Vũ Ngọc Sơn kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề an toàn thông tin của camera, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nhận thức của người dùng nói chung và người dùng Việt Nam nói riêng về an toàn, an ninh mạng hiện còn hạn chế. Mặc dù biết về các nguy cơ và cần đổi mật khẩu, cập nhật bản vá, nhưng nhiều người chưa quan tâm, không thực hiện. Đây là một điểm được Cục An toàn thông tin tập trung khắc phục khi xây dựng bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát và đã được ban hành đầu tháng 5/2024.

Cục An toàn thông tin đang phối hợp với các doanh nghiệp, các chuyên gia để xây dựng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát", dự kiến trong năm 2024, quy chuẩn này sẽ được ban hành. Khi có quy chuẩn kỹ thuật, bắt buộc các camera được sản xuất tại Việt Nam đưa ra thị trường hay những camera nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam buộc phải kiểm định, đánh giá, được chứng nhận hợp quy, đáp ứng các yêu cầu mới được đưa ra thị trường cung cấp cho người sử dụng. 

Dể người dùng có nhận thức và kỹ năng, cần tuyên truyền để nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, tổ chức. Trước hết, người dùng cần đổi mật khẩu thiết bị, không dùng mật khẩu mặc định; xác định vị trí đặt thiết bị...

Thị trường camera còn bỏ ngỏ

Camera giám sát không chỉ được sử dụng tại các hộ gia đình, mà còn là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh, giúp giám sát giao thông, an ninh trật tự… Thực tế cho thấy, khoảng 90% camera giám sát tại Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc với các nhãn hiệu chính Dahua, HikVision và một số dòng theo đường tiểu ngạch mua trên sàn thương mại điện tử. Một số dòng camera còn kết nối về máy chủ đặt tại nước này.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Pavana cho hay, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, trong năm 2023, quy mô thị trường camera Việt Nam đạt khoảng 175 triệu USD doanh thu. Trong bức tranh thị trường camera tại Việt Nam, thị phần camera gia đình chiếm đến 48% về doanh thu và khoảng 60% về số lượng sản phẩm lưu hành. Đại đa số camera được các hộ gia đình sử dụng hiện nay là những thiết bị giá rẻ từ 200.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng, được bán trôi nổi, trực tuyến. Thị trường camera tại Việt Nam tăng trưởng nhanh, với tốc độ từ 13-14%, trong đó camera gia đình tăng trưởng cao ở mức 17%.

Dẫn thống kê của Statista cho thấy, thị trường camera giám sát toàn cầu chủ yếu dành cho doanh nghiệp và Chính phủ với hơn 70%, camera phục vụ gia đình chỉ chiếm khoảng 15%. Do đó, thị trường Việt Nam đang ngược với xu hướng thế giới, khi có tới gần 50% thiết bị camera được sử dụng cho mục đích giám sát của các hộ gia đình.

Từ thực tế trên, theo ông Nguyễn Trung Kiên, thị trường thiết bị camera giám sát dành cho hạ tầng, doanh nghiệp và tổ chức Chính phủ tại Việt Nam còn tương đối “sơ khai”, vẫn còn nhiều dư địa phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Tổng dung lượng có thể đạt được là từ 100-150 triệu camera/năm, trong khi hiện Việt Nam mới đang có khoảng 10-15 triệu camera. Các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường, năng lực của các nhà máy hiện ước tính sản xuất được khoảng từ 2-2,5 triệu camera/năm và có khả năng nâng gấp đôi, gấp ba công suất.

Bà Vũ Nguyệt Lan, Giám đốc công nghệ của Công ty MK Vision cho rằng, với việc đã có bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát, các doanh nghiệp trong nước có thể “đi cùng nhau” trong việc phát triển camera. Khi đã có hệ thống camera theo tiêu chí của Việt Nam, cơ sở dữ liệu và đội ngũ kỹ sư chuyên môn, việc tích hợp các hệ thống với nhau sẽ dễ dàng. Khi nói cùng một ngôn ngữ, việc hỗ trợ sẽ đơn giản hơn, việc áp dụng camera vào nhà thông minh, thành phố thông minh là tương lai gần, có thể nhìn thấy lộ trình.

Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức
Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ giải quyết công việc
Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ giải quyết công việc

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ cho công việc của cán bộ, công chức, viên chức, đang được nhân rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN