Nếu ngày 26/3 nhiều cửa hàng còn hoạt động thì ngày hôm nay đã có sự chuyển biến rõ rệt, đa phần các cửa hàng đóng cửa. Thậm chí, nhiều tuyến phố vốn đông đúc, sầm uất thì nay gần 100% cửa hàng không hoạt động, như các phố Hàng Khay, Nhà Thờ, Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm)… Đường phố cũng thưa vắng người qua lại, lưu lượng xe cộ giảm hẳn, khác hẳn với những ngày trước đó.
Nhiều chủ cửa hàng cho rằng mặc dù việc tạm ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu nhưng họ đồng lòng chấp hành yêu cầu của chính quyền thành phố Hà Nội. Đó không chỉ là ý thức kỷ luật mà còn là trách nhiệm chia sẻ khó khăn với cộng đồng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người, cùng nhau chống lại dịch COVID-19.
Chủ chuỗi cửa hàng Chef BBQ ở 34 Xuân La (quận Tây Hồ) và ngõ 2 Hàm Nghi (quận Cầu Giấy) chia sẻ, biết được chủ trương của thành phố Hà Nội, ngay từ chiều 26/3 anh đã quyết định đóng cửa hai nhà hàng dù phải chịu thiệt hại nặng do chi phí thuê mặt bằng. Theo anh, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc chống dịch lây lan là quan trọng nhất. Đó không chỉ để đảm bảo sức khỏe cộng đồng mà còn giữ gìn sự an toàn cho chính anh và nhân viên. Nếu mọi người không nêu cao trách nhiệm cá nhân thì thành phố không thể ngăn được dịch bệnh.
Cùng quan điểm, chủ quán cà phê Hapu ở 85 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) cho rằng đóng cửa hàng là nghĩa vụ của những người kinh doanh trong thời điểm này. Chính vì vậy, ngay từ sáng 26/3 chị đã chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố Hà Nội, trước khi lực lượng chức năng phường Thanh Xuân Trung đến nhắc nhở, vận động. “Nếu chỉ vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến lợi ích của công đồng, làm dịch lây lan thì mình có tội”– chủ quán cà phê Hapu chia sẻ, đồng thời cho biết, đa phần các cửa hàng trong khu nhà của chị cũng đã đóng cửa.
Chủ quán cà phê Thi ở phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, sáng 26/3, chị nhận được thông báo của Công an phường Nghĩa Tân về việc dừng bán hàng để phòng, chống dịch COVID-19. Ngay lập tức, chị thu xếp cho nhân viên nghỉ làm và viết thông báo dán phía trước cửa hàng. Chị cho biết: "Thu nhập cả gia đình trông vào đây nhưng để phòng dịch, tôi sẵn sàng chấp hành quy định. Cũng có khách quen bảo tôi bán hàng phía trong nhưng tôi phải từ chối vì phòng dịch là việc chung, an toàn cho cả mình và xã hội".
Nhà hàng bún Huế Hương Sơn ở phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) vốn rất đông khách cũng đóng cửa từ sáng 27/3, cho nhân viên nghỉ. Chị Hương, chủ nhà hàng, chia sẻ, chưa biết đến lúc nào nhà hàng mới có thể mở lại. Tuy ảnh hưởng nhiều đến thu nhập nhưng chị vẫn chấp hành quy định chung. Các nhà hàng Phong Dê, Hoa Lan và một loạt quán cafe ở khu Thành phố Giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) đều dán thông báo nghỉ phòng chống dịch từ chiều 26/3.
Để chủ động duy trì cuộc sống, nhiều chủ cửa hàng đã năng động, thay đổi hình thức kinh doanh. Chị Vũ Thị Thanh Hương, chủ nhà hàng ẩm thực Tây Bắc ở phố Hàn Thuyên (quận Hai Hà Trưng) cho biết, từ khi thành phố yêu cầu đóng cửa, nhà hàng thay đổi hình thức kinh doanh từ phục vụ khách ăn uống tại chỗ sang đưa hàng đến nơi khách cần. Khách chỉ việc gọi điện hoặc đặt online là nhân viên nhà hàng mang đến tận nơi. Như vậy, vừa hạn chế việc tập trung đông người lại vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh (dù ít ỏi) và thu nhập cho nhân viên.
Trong hai ngày 26 – 27/3, chính quyền các phường, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Tại nhiều nơi chính quyền phát thông báo đến từng cửa hàng để các tiểu thương nắm được chủ trương. Ông Nguyễn Anh Chiến - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), cho biết, lực lượng chức năng phường đã rà soát, kiểm tra, vận động các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn phường. Đồng thời, phường yêu cầu người dân ký cam kết tạm ngừng kinh doanh theo chủ trường của thành phố và đa phần người kinh doanh đều ủng hộ, chấp hành nghiêm.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang được cả chính quyền, các cơ quan, ban ngành của thành phố Hà Nội và người dân chung tay thực hiện với tinh thần quyết liệt. Dù vậy, dịch diễn biến ngày càng phức tạp, các cơ quan thành phố đang tăng cường tuyên truyền người dân thay đổi mạnh mẽ các thói quen, nếp sinh hoạt để thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Tại Hà Nội, nhiều cơ sở tôn giáo cũng ngừng đón khách hoặc hạn chế số người hành lễ. Trong thời gian này có nhiều ngày lễ của đồng bào Công giáo nhưng nhiều nhà thờ đã yêu cầu bà con cầu nguyện tại nhà, không đến nhà thờ. Theo ghi nhận ngày 27/3 của phóng viên TTXVN, Nhà thờ Hàm Long (quận Hai Bà Trưng) đóng kín cửa, Nhà thờ Lớn Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) thông báo tạm thời đóng cửa Nhà thờ chính tòa do dịch COVID-19. Đặc biệt, Nhà thờ Thái Hà (quận Đống Đa) cắt giảm các nghi lễ, thực hiện nhiều biện pháp giảm tập trung đông người, sử dụng công nghệ trực tuyến trong các buổi thánh lễ nhằm hạn chế số người đến nhà thờ.