Phú Yên vừa ban hành văn bản nghiêm cấm việc sử dụng sử dụng cát vật liệu xây dựng thông thường để san lấp mặt bằng, nền công trình. |
Chủ trương này được thực hiện dựa trên Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09/6/2017 của Chính phủ; Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 15/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi và Công văn số 1421/BXD-VLXD ngày 22/6/2017 của Bộ Xây dựng về việc tình hình cung cầu sử dụng cát xây dựng và giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên.
UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý nguồn khoáng sản cát. Các sở, ban, ngành, các phòng chuyên môn cấp huyện (và tương đương) trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán phải kiểm tra chặt chẽ nguồn vật liệu cát đưa vào công trình; không thẩm định hoặc từ chối thẩm định đối với các công trình sử dụng cát đổ bê tông, xây, tô để san lấp mặt bằng, nền công trình; sử dụng không hợp lý nguồn khoáng sản cát; sử dụng chủng loại vật liệu cát đưa vào công trình không hợp lý.
UBND tỉnh Phú Yên cũng nghiêm cấm các chủ đầu tư không sử dụng cát đổ bê tông, xây, tô để san lấp mặt bằng, nền công trình và sử dụng không hợp lý nguồn khoáng sản cát.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, trữ lượng cát ở Phú Yên khoảng 160 triệu m3; nếu so với nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn tỉnh mỗi năm khoảng 800 nghìn m3 thì hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tuy vậy, thời gian qua, do công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố chưa rõ ràng nên đã phát sinh tình trạng khai thác trái phép, dẫn đến không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, làm sạt lở bờ sông mà còn thất thu ngân sách.