Đó là khẳng định với PV TTXVN ngày 11/3 của ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu,
Ông Thông cho biết thêm, tuy trên địa bàn hàng ngày có khoảng 40 xe vận chuyển, chở từ 800- 900 con lợn đi qua địa bàn tỉnh hoặc nhập tỉnh, nhưng đây là số lợn thương lái mua ở các tỉnh lân cận, sạch bệnh, phần lớn số lợn này đưa về tiêu thụ ở tỉnh Cà Mau.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, như thông tin có được từ ngành chức năng, việc lợn phía Bắc đưa vào tiêu thụ trong Nam là có, nhưng chỉ vận chuyển đến địa phận tỉnh Vĩnh Long trở ra, còn các tỉnh từ Vĩnh Long đến Cà Mau, lượng lợn nhập tỉnh, mua bán qua lại là ở các tỉnh lân cận trong khu vực. Dù vậy, ngành tiếp tục đề cao công tác kiểm soát khâu vận chuyển, nhập gia súc, gia cầm trên địa bàn; tăng cường kiểm soát tại các cửa ngõ, vùng giáp ranh, địa bàn, khu vực có tổng đàn lợn nuôi tập trung lớn.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tuy đến thời điểm này trên địa bàn chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi, nhưng địa phương đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch, với sự quyết tâm cao của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương các cấp.
Tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi tích cực phòng và chăm sóc đàn lợn khỏe mạnh, đặc biệt là không chủ quan, lơ là, dù dịch bệnh này không lây qua người nhưng một khi để xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại không chỉ ngành chăn nuôi, hộ dân mà còn ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế, sự phát triển chung của tỉnh. Tỉnh cũng khuyến cáo người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn, các sản phẩm từ lợn; nhưng tuyệt đối không mua bán, tiêu thụ, sử dụng lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…
Bạc Liêu có tổng đàn lợn khoảng 249.000 con, tăng hơn 19.000 con so với năm 2018, số lợn này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường tiêu dùng trên địa bàn, số còn lại phải nhập ngoài tỉnh. Trung bình, hàng ngày Bạc Liêu giết mổ, tiêu thụ khoảng 900 con lợn.