Tình hình COVID-19:

Ngày 2/7, Việt Nam ghi nhận 545 ca mắc mới COVID-19; Hơn 900 tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax

Tính từ 18 giờ ngày 1/7 đến 18 giờ 30 phút ngày 2/7, Việt Nam có thêm 545 ca mắc mới COVID-19, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao với 268 ca. Đã có hơn 900 tình nguyện viên tiêm thử nghiệm đợt 2 giai đoạn 3 vaccine Nano Covax.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho tình nguyện viên tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

900 tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax

Sau khi tiêm thử nghiệm cho 1.000 người trong đợt đầu tiên của giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng COVID-19, tính đến ngày 2/7, hơn 900 tình nguyện viên đầu tiên (trên tổng số 12.000 người tham gia đợt 2 của giai đoạn 3) được tiêm thử nghiệm vaccine "Made in Vietnam" ("Nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam").

Theo đó, 12.000 tình nguyện viên được tiêm theo tỷ lệ 2:1, tức 2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược. Trong đợt 2 của giai đoạn 3 việc tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax tiếp tục được thực hiện tại nhiều trung tâm - ở phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên triển khai tại tỉnh; ở phía Nam do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại các địa phương.

Vaccine phòng COVID-19 Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021.

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng.

Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%. Sau khi thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2, vaccine Nano Covax được đánh giá khá an toàn nên tiêu chí tuyển tình nguyện viên sẽ nới lỏng hơn 2 giai đoạn trước đó.

Có 13.000 tình nguyện viên tham gia giai đoạn 3 từ 18-75 tuổi, chỉ cần kiểm tra công thức máu và kiểm tra kháng thể với SARS-CoV-2. Những người đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2 hoặc có sẵn kháng thể sẽ bị loại khỏi nhóm đối tượng thử nghiệm...

Lâm Đồng khẩn cấp ứng phó với ca mắc COVID-19 đầu tiên

Chiều 2/7, Sở Y tế Lâm Đồng ra thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm liên quan đến bệnh nhân 17951 - bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh trú tại xã Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh - Lâm Đồng). Huyện Đạ Tẻh cũng thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn thôn Phú Hoà, xã Mỹ Đức với hơn 700 nhân khẩu.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên đến tiêm thử nghiệm tại Trung tâm y tế huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Cụ thể, ca bệnh 17951 là bà V.Th.Th. (46 tuổi, thôn Phú Hoà, xã Mỹ Đức) cùng chồng đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đạ Tẻh từ ngày 26/6. Đến ngày 30/6, cả hai đến Trạm Y tế xã Mỹ Đức khai báo và được lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 2/7, bà V.Th.Th. có kết quả dương tính SAR-CoV-2 và đã được Bộ Y tế công bố trong cùng ngày. Trước đó, bà V.Th.Th. cùng chồng bán trái cây ở chợ đầu mối Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Hiện sức khỏe của cả hai vợ chồng bà V.Th.Th. bình thường, không sốt, không ho hay khó thở. Theo ông Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, ngay khi nhận được thông tin ca nghi nhiễm, huyện đã cho lập 6 chốt kiểm soát, phòng chống dịch tại cửa ngõ ra vào xã Mỹ Đức. Trong đó, riêng thôn Phú Hòa có 4 chốt kiểm soát, phòng, chống dịch được thành lập không cho người ra, vào.  

Ngay từ trưa 2/7, Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh đã huy động lực lượng y, bác sĩ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả 711 người dân tại thôn Phú Hòa. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả những trường hợp liên quan đến ca nghi nhiễm. Huyện Đạ Tẻh cũng tiến hành phun xịt khử khuẩn thôn Phú Hòa, các địa điểm liên quan và các khu vực công cộng trên toàn địa bàn xã Mỹ Đức.

Hiện trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 2 khu cách ly y tế tập trung tại xã Mỹ Đức và Đạ Lây đang hoạt động. Sáng 2/7, địa phương này cũng kích hoạt thêm khu cách ly tập trung tại Trường Dân tộc nội trú liên huyện phía Nam (tại thị trấn Đạ Tẻh) với quy mô 250 giường, nhiều trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt cũng được chuẩn bị sẵn sàng nhằm đảm bảo cho các khu cách ly hoạt động thông suốt trong trường hợp tình hình.

Công an, Viện Kiểm sát tăng cường phòng, chống dịch COVID-19

Thông tin từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, Công an Thành phố đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện công tác phòng, chống dịch của đơn vị, bảo đảm yêu cầu phòng dịch từ xa, từ sớm, nhanh chóng khắc phục ngay những bất cập, hạn chế, các “lỗ hổng” trong quy trình công tác nhằm ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh vào đơn vị.

Chú thích ảnh
Lực lượng Đồn Biên phòng Hồ Le và Công an xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai (Kom Tum) tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Đồng thời, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Công an, vừa tham gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công an Thành phố ghi nhận xảy ra 2.272 vụ phạm tội về trật tự xã hội, so với liền kề giảm 183 vụ; đã điều tra khám phá 1.620 vụ, bắt 2.610 đối tượng.

Trước đó ngày 28/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3 cán bộ chiến sĩ công tác tại Trại tạm giam Chí Hòa mắc COVID-19. Công an Thành phố đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan y tế khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm toàn Trại tạm giam Chí Hòa. Đồng thời, Trại tạm giam Chí Hòa thông báo đến các đơn vị là Tòa án, Viện kiểm sát. Được biết, một số cán bộ của Viện Kiểm sát và Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đi cách ly tập trung do có tiếp xúc với các trường hợp dương tính nêu trên.

Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện kịp thời, nghiêm túc, có hiệu quả công văn số 193, số 200 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp áp dụng lịch đi làm luân phiên cho các kiểm sát viên, nhằm vừa đảm bảo công tác chuyên môn, vừa phòng chống dịch. Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc hoãn các phiên tòa hình sự có bị cáo đang tạm giam tại Trại tạm giam Chí Hòa.

Theo đó, Tòa án tạm dừng tổ chức các phiên tòa hình sự phúc thẩm có bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Chí Hòa từ ngày 29/6. Đối với các vụ việc bắt buộc phải mở phiên tòa, thẩm phán phải báo cáo ban lãnh đạo cơ quan xem xét, quyết định.

Thêm 3 bệnh nhân COVID-19 cao tuổi tử vong

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo về 3 ca tử vong liên quan đến COVID-19 thứ 82, 83 và 84, đều là bệnh nhân nam, cao tuổi.

Ca tử vong thứ 82 là bệnh nhân 3799, 69 tuổi, địa chỉ tại Yên Phong, Bắc Ninh. Bệnh nhân sống trong vùng dịch tễ COVID-19 lưu hành. Ngày 13/5, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính và nhập Bệnh viện Dã chiến số 1, Bắc Ninh để điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán vào viện: Viêm phổi và mắc COVID-19, suy kiệt, được điều trị kháng sinh, Dexamethazole, lovenox liều dự phòng.

Ca tử vong thứ 83 là bệnh nhân 15970, 67 tuổi, địa chỉ tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân cố tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy thận mạn. Ngày 27/6, bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Cần Giờ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, thở khí phòng. Bệnh nhân được điều trị tích cực kháng sinh tĩnh mạch, kháng đông, kháng tiết, thuốc điều trị tiểu đường, tăng huyết áp, theo dõi sát. Đến ngày 28/6, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy giảm tri giác, lơ mơ, tím toàn thân, diễn tiến đột ngột ngưng tim, ngưng thở.

Ca tử vong thứ 84 là bệnh nhân 11618, 64 tuổi, địa chỉ tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiền sử: Tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngày 15/6, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả dương tính, được chuyển đến đến Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Củ Chi.

Bệnh nhân được chẩn đoán vào viện: Viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS) mức độ trung bình trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngày 18/6, bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần, được chuyển Khoa Điều trị tích cực (ICU). Tại đây bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, giảm đau, an thần, giãn cơ, lọc máu, kháng sinh phối hợp, kháng viêm, kháng đông, dinh dưỡng, nhưng do tuổi cao bệnh lý nền nặng, bệnh nhân tử vong ngày 30/6 với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Chú thích ảnh
Sinh viên y khoa lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại một điểm lấy mẫu trên địa bàn phường 3, Quận 4, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Xét nghiệm cho 10.000 công nhân trong khu công nghiệp ở Bình Phước

Trong ngày 2/7, tỉnh Bình Phước tổ chức các tổ y tế tập trung xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 10.000 công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chơn Thành (Bình Phước).

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước, hiện nay huyện Chơn Thành ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2. Lực lượng chức năng đã phát hiện 56 trường hợp F1, 211 trường hợp F2 và khoảng 12.000 trường hợp khác có liên quan.

Sau khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 30/6 đến nay, tỉnh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 2.500 người, trong đó chủ yếu là người dân trong khu vực phong tỏa tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Trong ngày 2/7, tỉnh huy động 48 tổ y, bác sĩ để tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho 10.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chơn Thành.

Do dịch COVID-19 đang lây lan nhanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền vừa ký văn bản hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp bố trí cho công nhân, người lao động ăn, ở và lưu trú tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 2/7, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các đơn vị, địa phương phải nâng cao năng lực xét nghiệm để khoanh gọn, cắt nguồn lây nhiễm.   Bình Phước là cửa ngõ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, do đó nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn rất cao.

Tỉnh đang triển khai nhiều chốt kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông dẫn vào địa bàn; bố trí 65 chốt cố định và 11 tổ cơ động trên dọc tuyến biên giới dài hơn 260 km với Campuchia, để kiểm soát người và phương tiện đến địa bàn.

V.T/Báo Tin tức
Hỗ trợ hướng dẫn viên gặp khó khăn do dịch COVID-19
Hỗ trợ hướng dẫn viên gặp khó khăn do dịch COVID-19

Trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên, hướng dẫn viên được nhắc đến là đối tượng được hỗ trợ do gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN