Đa dạng các hình thức hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 2/7, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đã ký văn bản quy định về việc thu giá tạm thời dịch vụ xét nghiệm COVID-19 cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Chú thích ảnh
UBND tỉnh Đắk Nông thống nhất chủ trương cho phép các cơ sở y tế công lập thu giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông thống nhất chủ trương cho phép các cơ sở y tế công lập thu giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu thực hiện dịch vụ xét nghiệm và các đối tượng không thuộc phạm vi ngân sách nhà nước chi trả được yêu cầu xét nghiệm khi áp dụng các biện pháp cách ly.

Về mức giá thu, xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR tối đa không quá 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm; xét nghiệm bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tối đa không quá 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm.

Đây là mức giá dịch vụ đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông thông qua tại Nghị quyết số 32/2019/NQ-HĐND ngày 30/9/2019 và là mức giá thu thực hiện tạm thời cho đến khi Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất ban hành mức giá mới cho từng loại dịch vụ xét nghiệm.

UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý cho Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh và các đơn vị y tế khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có năng lực xét nghiệm COVID-19 và được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện dịch vụ.

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ sở lấy mẫu, xét nghiệm thực hiện quản lý, theo dõi, hạch toán thu, chi dịch vụ xét nghiệm COVID-19 thực hiện thanh quyết toán và lập báo cáo quyết toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm hiện tại, Đắk Nông chưa có ca nào mắc COVID-19, số mẫu xét nghiệm đã lấy là 3.722 mẫu, số mẫu âm tính 3.700 mẫu, hiện còn 22 mẫu đang chờ kết quả.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam vừa chỉ đạo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hỗ trợ, giám sát việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch COVID-19.
 
Cụ thể, 100% người dân qua các chốt kiểm tra y tế trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và Đường 9 được kiểm soát thân nhiệt, nhận diện an ninh qua mắt bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và khai báo y tế điện tử. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông về việc ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để tổ chức, cá nhân ủng hộ và sử dụng.
 
Sở Giao thông vận tải tỉnh khẩn trương khảo sát, lắp đặt camera hỗ trợ công tác giám sát tại các chốt kiểm tra y tế, kết nối hoạt động với Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Quảng Trị. Các chốt kiểm tra y tế hoạt động phải đảm bảo người và phương tiện đi vào hoặc đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; đảm bảo nguyên tắc không một ai đến, trở về hoặc ghé dừng tại địa phương này không được khai báo y tế.
 
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã yêu cầu, chính quyền các địa phương kiểm tra, bố trí cơ sở vật chất sinh hoạt, làm việc cho lực lượng, cán bộ làm việc tại các điểm chốt và người dân khi dừng để khai báo y tế; hướng dẫn sử dụng mã QR Code tại cơ quan, đơn vị, tổ chức... trong đó ưu tiên triển khai tại các nhà hàng, quán ăn dọc tuyến Quốc lộ 1A. Ngoài ra các nhà hàng, quán ăn dọc tuyến Quốc lộ 1A phải yêu cầu khách hàng khai báo y tế điện tử thông qua quét mã QR Code, ghi sổ nhật ký bán hàng có các thông tin cơ bản như: Biển số phương tiện, tên, số điện thoại của lái xe và khách ăn uống tại cơ sở.
 
Từ ngày 10/5 - 2/7, trên địa bàn tỉnh không nghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng.   

* Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Trần Thị Chúc Quỳnh cho biết, đơn vị vừa phát động phong trào xây dựng chuỗi “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch” nhằm tiêu thụ nông sản giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tỉnh đoàn Lâm Đồng sẽ phối hợp với các bên liên quan, xây dựng kế hoạch triển khai giải pháp bền vững kết nối tiêu thụ, đảm bảo nông sản không ùn tắc, không bị mất giá đồng thời vẫn an toàn phòng, chống dịch.

Các giải pháp cụ thể được đưa ra gồm, tổ chức tiêu thụ nông sản bằng điểm bán trực tiếp và bán hàng trực tuyến. Theo đó, đến hết tháng 8/2021, mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất một điểm “Kết nối tiêu thụ nông sản” do Đoàn Thanh niên triển khai; phối hợp liên hệ với các điểm bán hàng nông sản trên địa bàn huyện, thành phố để hình thành mạng lưới điểm bán “Kết nối tiêu thụ nông sản”; 100% huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc xây dựng chuyên mục trên website, bản tin trên fanpage, Zalo... về “Gian hàng thanh niên online - Kết nối nông sản” qua đó kết nối tiêu thụ nông sản theo từng đợt.

Tỉnh đoàn cũng giao các Huyện, Thành đoàn có nhu cầu tiêu thụ nông sản phối hợp với Phòng Nông nghiệp địa phương để khảo sát, thống kê số lượng, chủng loại, giá bán tại ruộng, giá đóng gói và giao hàng tại điểm bán lẻ, phương thức vận chuyển, dự kiến thời gian có hàng, đầu mối liên hệ... Từ đây, số lượng hàng hóa cần hỗ trợ tiêu thụ sẽ được Ban Phong trào Tỉnh đoàn tổng hợp và xem xét phân phối đến các Huyện, Thành đoàn và đoàn trực thuộc có nhu cầu mua nông sản giúp dân.

Theo Ban tổ chức, kể từ ngày phát động (28/6/2021) đến nay, các đơn vị đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ được 20 tấn xoài giúp nông dân trên địa bàn huyện Lâm Hà. Thời gian tới, Ban tổ chức tiếp tục cập nhật tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn, người dân địa phương gặp khó khăn sẽ được thống kê, lên phương án hỗ trợ tiêu thụ trong toàn tỉnh.

PV TTXVN tại các địa phương
Thông tin tiêm vaccine COVID-19 dịch vụ là giả mạo
Thông tin tiêm vaccine COVID-19 dịch vụ là giả mạo

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin mời gọi tiêm vaccine COVID-19 dịch vụ (mất phí). Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, đây là thông tin giả, bởi hiện nay thành phố chưa tiêm ngừa vaccine COVID-19 dịch vụ và đang thực hiện tiêm vaccine miễn phí cho nhóm ưu tiên theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN