Ngày 25/3: Thêm 7 ca mắc COVID-19, tạm dừng hoạt động các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu

Ngày 25/3, Bộ Y tế công bố thêm 7 ca mới mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc của Việt Nam lên 141 ca. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã quyết định tạm dừng hoạt động các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đến ngày 5/4.

Không ít người dân vẫn thiếu ý thức

Ngày 25/3, Bộ Y tế tiếp tục ra thông báo khẩn lần thứ 7 đề nghị các hành khách đi trên 7 chuyến bay có người mắc COVID-19 cần liên hệ gấp với cơ quan y tế địa phương, gồm: EK364 của Emirates từ Dubai đến TP. HCM ngày 15/3 (nối từ chuyến EK 30 của Emirates từ London đến Dubai); SU290 của Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 15/3; TG560 của Thai Airways từ Bangkok đến Hà Nội ngày 15/3 (nối chuyến tử London); BI 381 của Royal Brunei Airlines từ Brunei đến TP Hồ Chí Minh ngày 17/3 (nối chuyến từ Malaysia); EK392 của Emirates từ Dubai đến TP. HCM ngày 19/3 (nối từ chuyến EK4 của Emirates từ London đến Dubai); NH831 của All Nippon Airways (ANA) từ Nhật Bản đến TP Hồ Chí Minh ngày 19/3 (nối chuyến từ Hoa Kỳ); JL751 của Japan Airlines từ Tokyo đến Hà Nội ngày 20/3.

Chú thích ảnh
Sẵn sàng cho công tác thu dung, cách ly người nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: TT.

Thực tế trên khiến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn lên án về ý thức kém của một bộ phận người dân Thủ đô khi không tuân thủ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và cho rằng, Hà Nội xuất hiện yếu tố có nguy cơ cao gây ra ổ dịch. Vì vậy, nếu người dân thiếu ý thức hoặc lơ là, sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, tỷ lệ lây nhiễm dễ tăng cấp số nhân.

Thiết lập các vòng kiểm soát ổ dịch

Chiều 25/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu quận Đống Đa khẩn trương triển khai phương án bố trí lực lượng an ninh, bảo vệ vòng ngoài cho bệnh viện Bạch Mai.

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Bệnh viện Bạch Mai khi cơ sở y tế này có nhân viên y tế nhiễm bệnh, cũng như nguy cơ lây nhiễm “kép” từ đây, lãnh đạo thành phố yêu cầu tất cả người nhà, người đã vào thăm bệnh nhân ở các khoa Tim Mạch, khoa Thần Kinh, bệnh viện Nhiệt đới (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) từ ngày 12/3 cho đến nay, phải tự giác khai báo với các cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm, tự cách ly ở nhà. Bệnh viện Bạch Mai phải chủ trì lấy mẫu xét nghiệm.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và đã lây lan trong cộng đồng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, từ ngày 9/3 đến nay, Thành phố ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố và 6 ca đã xét nghiệm dương tính lần 1, đang chờ Bộ Y tế xét nghiệm khẳng định. Tổng số trường hợp tiếp xúc với 26 ca bệnh mới, tính đến ngày 25/3/2020 là 1.621 trường hợp. Trong đó, 5 trường hợp dương tính (bệnh nhân 48, 65, 97, 98, 120); 1.144 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính; 48 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm; 424 trường hợp chưa được lấy mẫu.

Đáng lo ngại là Thành phố đã xuất hiện 2 ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng: Từ những người tham dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia (khu dân cư 750 người có đạo ở quận 8) và những người tham gia trong quán bar Buddha, có tiếp xúc với bệnh nhân 91 là phi công người Anh của hãng Vietnam Airlines (đã lây lan cho 10 người cùng dự ở quán bar). Ngoài ra, còn một nguồn lây khác từ những người đi dự đám tang tại một gia đình có người thân là Việt kiều về nước ngày 10/3 bị nhiễm bệnh, dẫn đến cách ly hàng chục nhân viên y tế ở bệnh viện huyện Bình Chánh và cộng đồng dân cư xung quanh…

Do vậy, Sở Y tế Thành phố yêu cầu các cơ sở y tế phải bổ sung lực lượng, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ kịp thời và tổ chức cách ly riêng lẻ, tập trung nhiều vòng các trường hợp dương tính, âm tính và chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Các hộ kinh doanh tại phố cổ đã tạm dừng hoạt động khi có yêu cầu của TP Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.

Đóng cửa tất cả cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đến hết ngày 5/4

Ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không cần thiết, thậm chí cả siêu thị điện máy, quán cà phê cho đến hết ngày 5/4 (trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, thuốc, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày), nhằm hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, tăng nguy cơ phát tán dịch COVID-19.

Đặc biệt, lãnh đạo TP Hà Nội khuyến cáo người dân, khi ra vào các siêu thị, ngoài việc đeo khẩu trang thì cần đi theo hàng, lần lượt từng người và giữ khoảng cách an toàn. Hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỉ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người; khuyến khích người dân ở nhà, làm việc, học tập trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình... Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các hoạt động có tập trung đông người.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tuyệt đối không chủ quan, phải luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, chuẩn bị một số phương án cụ thể, kể cả trong tình huống xấu nhất. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch; kiên trì các nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; không để xảy ra trường hợp như ngày hôm qua 24/3, người dân vẫn đi lễ đền, chùa đông.

Phạt kịch khung, công khai danh tính cô gái trốn khỏi khu cách ly

Sau khi Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) thông tin về việc phát hiện một người bỏ trốn khi đang cách ly, chuẩn bị lên máy bay tại sân bay Nội Bài, sau đó bị đưa về khu cách ly để kiểm tra, theo dõi, ngày 25/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu lãnh đạo quận Long Biên (Hà Nội) phải có biện pháp xử lý mạnh tay, phạt kịch khung, công khai danh tính người đã trốn khỏi khu cách ly.

Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên, người trốn khỏi khu cách ly là Vũ Thu Hà (giới tính nữ, sinh năm 1995, trú tại phường Sài Đồng). Sáng 25/3, Hà đã lên sân bay Nội Bài và dự kiến bay về Anh, trong khi còn 2 ngày nữa mới hết thời hạn cách ly. Dự kiến trường hợp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế. Thủ tướng khen ngợi: "Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các đồng chí không những đã phát huy truyền thống, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh rất đáng tự hào của ngành y tế, mà còn góp phần quan trọng tạo dựng niềm tin, sự an tâm, tiếp thêm động lực để cả nước đồng sức, chung lòng phòng chống dịch thành công". Thủ tướng kêu gọi toàn thể thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên mọi miền Tổ quốc phải quyết tâm cao hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa cùng với các lực lượng và nhân dân sớm đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, chúc các Thầy thuốc của nhân dân sức khỏe, luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân cả nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Vân Sơn/Báo Tin tức
Người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành y tế để phòng dịch COVID-19
Người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành y tế để phòng dịch COVID-19

Chiều 25/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN