Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc, tổng lượng mưa được Trung tâm Khí tượng Thủy văn Kiên Giang đo được từ 2-5/8 trên đảo Phú Quốc đạt 501,2 mm. Đây là lượng mưa kỷ lục so với trung bình nhiều năm, diễn ra trong thời gian ngắn và rơi vào thời điểm triều cường dâng cao nên thoát nước từ sông, suối ra biển bị hạn chế, gây ngập úng cục bộ ở một số khu vực.
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông được xây dựng từ năm 2003; quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt, chưa nhiều như hiện nay. Những năm gần đây, đảo Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch, sản xuất, kinh doanh của người dân trên đảo gấp nhiều lần so với trước nên hệ thống thoát nước đầu tư trước đây quá tải, không còn đảm bảo vận hành. Do đó, việc thoát nước từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh của người dân bị hạn chế rất nhiều. Ngoài ra, những khu vực này trước đây có nhiều ao, hồ tự nhiên để điều hòa khi mưa lớn nước thoát không kịp nhưng hiện nay hầu hết đã bị san lấp, tôn nền nên hệ thống hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác thải và đất, cát từ những công trình xây dựng, dốc núi xả xuống…. Nhà ở xây cất nhiều trên các tuyến đường làm hạn chế khả năng thoát nước tự nhiên và gây ngập.
Ngoài những nguyên nhân trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Trần Chiến Thắng cho biết thêm: “Địa hình đảo Phú Quốc có nhiều đồi dốc, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm sông, suối để xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, ảnh hưởng đến việc thoát nước từ các dốc núi, suối, sông đổ ra biển, gây ngập nước các khu dân cư sinh sống ở ven sông, ven suối".
Trước mắt, UBND huyện Phú Quốc tập trung lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp khắc phục ngập nước như: nạo vét, khơi thông cống rãnh, dòng chảy; xử lý nhanh các khu vực sông, suối trọng yếu bị lấn chiếm cản trở dòng chảy để thoát nước nhanh… Huyện tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm, sông, suối và tháo dỡ khơi thông dòng chảy; không xả rác thải xuống mương cống, hố ga, kết hợp kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…; chủ động đề phòng mưa lớn bất thường xuất hiện trong thời gian tới gây ngập; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh; huy động các lực lượng, nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.
“Huyện Phú Quốc kiến nghị tỉnh cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối và thoát nước trên toàn địa bàn đảo; nâng cấp hệ thống thoát nước nội ô thị trấn Dương Đông phù hợp với tốc độ phát triển của huyện Phú Quốc như hiện nay; xây dựng kè chống lấn chiếm rạch Ông Trì, rạch SOMACO, sông Dương Đông…; nghiên cứu đầu tư hồ điều tiết nước cho khu vực thị trấn Dương Đông…”, ông Trần Chiến Thắng cho hay.
Theo thông tin từ UBND huyện Phú Quốc, mưa lớn trong bốn ngày qua đã gây ngập cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn huyện, chủ yếu ở thị trấn Dương Đông với tổng chiều dài khoảng 34 km, độ sâu nước ngập trung bình 0,6 m, có nơi lên đến 1,5 m; nhà bị ngập nước 3.874 căn; gió mạnh, dông lốc làm sập và tốc mái 14 nhà dân; thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu, thủy sản của nhân dân… Tổng giá trị thiệt hại ước tính ban đầu hơn 68 tỷ đồng.
Ngày 9/8, trên đảo Phú Quốc tiếp tục có mưa to làm cho nhiều tuyến đường ở thị trấn Dương Đông và một số xã lân cận tiếp tục ngập nước. UBND huyện Phú Quốc huy động các lực lượng, phương tiện đến các khu vực bị ngập, nhất là những nơi ngập sâu, nước chảy mạnh sẵn sàng hỗ trợ dân di dời tài sản, sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi tránh trú an toàn, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… phục vụ người dân.