Ngăn nước nhiễm mặn tại vùng ven biển

Nhiều năm nay, người dân xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá luôn phải dùng nước mưa để sinh hoạt mỗi ngày, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu làm nguồn nước giếng khoan bị xâm thực nhiễm mặn, nhiễm phèn nên các hộ dân không thể sử dụng.

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Kiệm, thôn 2, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn khoan giếng xuống độ sâu 60-70 mét nhưng nước vẫn mặn, có phèn nên phải dùng nước mưa để sinh hoạt. 

Huyện Nga Sơn đã xây dựng kế hoạch ngăn chặn tình trạng nước nhiễm mặn và kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy nước trên địa bàn.

Xã Nga Điền, huyện ven biển Nga Sơn có khoảng 800-900 hộ dân đang dùng nước mưa để phục vụ cuộc sống mỗi ngày. Theo người dân địa phương, vài năm qua chưa bao giờ họ được sử dụng nước sạch bởi tình trạng nước biển mặn xâm thực vào đất liền đã làm nguồn nước giếng khoan không còn đảm bảo để sử dụng, nước giếng ở đây không nhiễm mặn thì cũng nhiễm phèn.

Ông Trần Văn Kiệm, thôn 2, xã Nga Điền cho biết, gia đình ông và 2-3 gia đình khác đã chung tiền nhau khoan một cái giếng, khi khoan xuống độ sâu 60-70 mét nhưng nước vẫn mặn, có phèn nên phải xây cái bể nhỏ chứa nước mưa để dùng dần.

Bà Cao Thị Điệp, cũng ở thôn 2, xã Nga Điền cho biết: “Tôi phải xây dựng 2 bể chứa lớn. Một bể là nước mưa, dành riêng cho nấu ăn và một bể vừa chứa nước giếng vừa chứa nước mưa dẫn từ mái nhà xuống dành riêng giặt giũ, tắm rửa, trường hợp trời nắng, không còn nước mưa, tôi phải đi mua nước sạch để nấu ăn, còn tắm giặt bằng nước giếng khoan. Tôi hi vọng trong thời gian tới, nhà máy nước sạch Bắc Nga Sơn sẽ xây dựng xong để cấp nước cho người dân”.

Chú thích ảnh
 Chính quyền địa phương cũng chỉ còn cách đắp một con đập ngăn nước nhiễm mặn tại sông Càn, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn.

Theo ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Nga Điền cho biết: ”Tình trạng nước nhiễm mặn đã xảy ra từ lâu, cứ đến mùa nước mặn dâng cao, UBND xã đã phối hợp với UBND huyện đắp đập tại sông Càn để ngăn chặn nước biển xâm thực, giảm độ xâm thực mặn vào đồng ruộng và giếng khoan. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự án làm đập sông Càn, dự kiến vào năm 2023 sẽ hoàn thành, đây là dự án mới sẽ góp phần bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đảm bảo môi trường và phục vụ sản xuất”.

Bên cạnh đắp đập ngăn mặn, vào năm 2019 huyện Nga Sơn được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư, xây dựng nhà máy nước Bắc Nga Sơn có tổng công suất thiết kế 8.000 m3/ngày đêm, phục vụ cho 8 xã xung quanh; trong đó có Nga Điền. Dự kiến nhà máy này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 4/2022. Tuy nhiên, công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành, hiện đơn vị thi công đã xin điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến tháng 4/2023.

Theo UBND huyện Nga Sơn, địa phương có xã Nga Thái, xã Nga Điền, xã Nga Phú đã xuất hiện tình trạng nước biển mặn xâm thực, việc nước biển xâm thực mặn vào đất liền đã xảy ra từ gần 10 năm trước, hiện UBND huyện đã xây dựng kế hoạch để ngăn chặn tình trạng nước nhiễm mặn trên địa bàn.

Chú thích ảnh
 Nhà máy nước Bắc Nga Sơn, có tổng công suất thiết kế 8.000m3/ngày đêm, phục vụ cho 8 xã xung quanh, trong đó có Nga Điền vẫn chưa hoàn thành. 

Ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết, tháng 9 hàng năm, UBND huyện Nga Sơn đã xin UBND tỉnh Thanh Hóa đắp đập sông Càn để ngăn mặn, khi vào mùa khô thì tháo đập ra để đảm bảo tiêu thoát nước. Đồng thời, lấy nước từ sông Đáy và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình về để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện Nga Sơn đã có một nhà máy nước đi vào hoạt động và hai dự án nhà máy nước đang xây dựng. Đối với dự án nhà máy nước đang xây dựng, huyện Nga Sơn sẽ đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm đi vào hoạt động và cấp nước cho người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Nữ tiến sỹ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về nghiên cứu tình hình nhiễm mặn
Nữ tiến sỹ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về nghiên cứu tình hình nhiễm mặn

Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái đất và Hành tinh (PEPS) thuộc Hội địa vật lý Nhật Bản (JpGU) vừa trao giải thưởng “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021” cho một nữ Tiến sĩ trẻ người Việt Nam với công trình nghiên cứu về tình hình nhiễm mặn tại khu vực sông Mekong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN