Huyện Duy Xuyên là một trong ba địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Vụ hè thu này, huyện Duy Xuyên sản xuất hơn 5 ngàn ha, chủ yếu cơ cấu giống lúa ngắn ngày và trung ngày để né tránh thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm cho lúa hè thu tại các xã Duy Sơn, Duy Thu, Duy Phước và nhiều địa phương khác bị thiếu nước nghiêm trọng, khiến các cánh đồng nứt nẻ, lúa mới hơn một tháng tuổi bắt đầu héo khô.
Ông Lê Pháp, nông dân xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên cho hay, bước vào vụ Hè Thu năm nay, nông dân xã Duy Phước và các địa phương lân cận đều gặp khó khăn vì nguồn nước tưới. Để đối phó với khô hạn, bà con đã chuyển một phần diện tích đất canh tác lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày, ít sử dụng nước. Tuy vậy, với diện tích lúa còn lại cũng khó khăn về nguồn nước tưới.
Chủ tịch UBND xã Duy Phước chia sẻ, nắng hạn kéo dài nên sông Thu Bồn vừa bị thiếu nước ngọt, vừa bị nhiễm mặn ngày càng sâu hơn. Trạm bơm 19/5 đặt trên sông Thu Bồn có 7 máy bơm nhưng không hoạt động được vì không có nguồn nước. Nếu tình trạng này kéo dài, vụ sản xuất hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, địa phương đề nghị cấp trên có giải pháp vận hành liên hồ và điều tiết hợp lý nước từ các hồ thủy điện đưa nước về sông Thu Bồn cho trạm bơm hoạt động.
Quảng Nam hiện có 17 hồ lớn do Công ty Khai thác Công trình thủy lợi quản lý, 56 hồ nhỏ do các địa phương quản lý sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa ở các địa phương đều trong tình trạng giảm dung tích nước chứa, nhiều hồ khô cạn và không thể đảm bảo cung cấp nước tưới cho vụ hè thu. Trong khi đó, hầu hết các trạm bơm phục vụ tưới cho các vùng trồng lúa trọng điểm đối diện với tình trạng nhiễm mặn liên tục vượt ngưỡng 0,8 phần nghìn. Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào các khu vực trạm bơm ngày càng gia tăng. Nguy cơ thiếu nước cho lúa hè thu là điều không thể tránh khỏi.
Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, dự đoán thời tiết sẽ bất lợi, nên bước vào vụ sản xuất năm nay, huyện đã chủ động giảm hàng nghìn ha lúa nước sang trồng các loại cây ngắn ngày. Mặt khác, huyện nỗ lực sửa chữa hàng chục tuyến kênh mương nội đồng, kênh mương tạo nguồn, hồ chứa, nhất là đối với những công trình thật sự bức xúc và có khả năng tưới lớn để phục vụ nước tưới cho cả 2 vụ sản xuất trong năm. Nhờ vậy, lượng nước tưới cho cả hai vụ sản xuất trong năm đều cơ bản đáp ứng được. Nhưng nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, khả năng thiếu nước tưới là khó tránh khỏi.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý, toàn tỉnh hiện có 30 hồ chứa vừa và nhỏ do địa phương quản lý bị thiếu hụt nguồn nước, nguy cơ thiếu nước cuối vụ là rất dễ xảy ra. Trước mắt, tỉnh đang chỉ đạo tập trung đắp đập tạm để giữ ngọt tại các sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện, tận dụng nguồn nước hồi quy để bơm tưới cho cây lúa, tránh tình trạng để lúa chết vì thiếu nước.
Vụ Hè Thu năm nay, Quảng Nam triển khai gieo sạ 41.500 ha, trong đó gần 38.000 ha chủ động được nước tưới. Ngay từ đầu vụ, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa khu vực cuối kênh, vùng nguy cơ thiếu nước thường xuyên. Song, với tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài, việc sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu cần được quan tâm nhiều hơn.