Cưới nhau hơn 15 năm vẫn chưa đăng ký kết hôn
Một ngày hè nắng chói chang, Đại úy Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Chiềng On (Sơn La) đưa chúng tôi tới thăm gia đình anh Giàng Lao Sang và chị Tráng Thị Danh ở bản Nà Khạng, xã Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào).
Chị Danh cho biết, mùa xuân năm 2005, anh Giàng Lao Sang, quốc tịch Lào có quen biết với một số bạn bè ở bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yêu Châu, tỉnh Sơn La (Việt Nam) và mang lòng yêu chị Danh. Hai anh chị được gia đình làm đám cưới theo phong tục của đồng bào Mông. Đến nay, mặc dù 2 vợ chồng đã kết hôn hơn 15 năm và đã sinh hạ được 2 con, nhưng vẫn chưa có giấy kết hôn.
Theo Đại úy Somsouk Saengchanphet, Trạm trưởng Trạm an ninh biên giới bản Nà Khạng (Công an nhân dân Lào), dù chưa được cấp giấy chứng nhận kết hôn, nhưng họ vẫn chung sống với nhau hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình mỗi con lại mang một dòng họ.
Ví như gia đình anh Giàng Lao Sang và chị Tráng Thị Danh đây, con gái thì mang họ mẹ, nhưng con trai lại mang họ bố. Thông tin trong giấy khai sinh của những đứa trẻ thiếu chính xác, nên ngành tư pháp, hộ tịch của Lào chưa thể nhập tịch được cho công dân. Cá biệt, có những người sau khi đã kết hôn qua biên giới nhưng sau đó lại hồi hương về lấy vợ (lấy chồng) khác hoặc ngược lại…
Không riêng gì vợ chồng anh Sang và chị Danh, mà vợ chồng anh Sổng Lao Chư bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yêu Châu, Sơn La kết hôn với chị Lợ (quốc tịch Lào) cũng là một cặp hôn nhân Việt - Lào sống với nhau hơn 10 năm cũng không đăng ký kết hôn.
Anh Sổng Lao Chư cho biết: Vợ anh là người Lào, lấy chồng Việt Nam khi đi đăng ký kết hôn phải làm rất nhiều thủ, phải xin 3 - 4 loại giấy tờ mà mỗi loại phải mất 6 - 7 tháng mới được nước bạn cấp giấy. Đi lại nhiều lần nhưng vẫn chưa làm được.
Được Bộ đội Biên phòng Chiềng On đến vận động thuyết phục, tuyên truyền về quyền lợi được hưởng khi đăng ký kết hôn, đến năm 2019 vợ chồng anh Chư và chị Lợ cũng đã có giấy đăng ký kết hôn, từ đó vợ cũng đã nhập quốc tịch Việt Nam. Rõ ràng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra và có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề di dân tự do, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự khu vực.
Phối hợp tuyên truyền, đề cao nhận thức
Việc thay đổi nhận thức của nhân dân biên giới về vấn đề này đã khó, nhưng việc giải quyết để có giấy chứng nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài cho nhân dân 2 bên biên giới cũng không đơn giản.
Thiếu tá Trịnh Văn Dương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng On, Bộ đội Biên phòng Sơn La cho biết: Lực lượng Biên phòng liên tục tổ chức tuyên truyền cho dân 2 bên biên giới, đặc biệt là các bản giáp biên giới trong địa bàn quản lý của đơn vị tiến tới không còn tình trạng kết hôn qua biên giới, kết hôn với người nước ngoài và kết hôn không giá thú ở biên giới.
Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Sơn La cho biết, do điều kiện về địa lý và xuất phát từ mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; mối quan hệ thân thuộc của một bộ phận nhân dân ở khu vực biên giới cùng với phong tục, tập quán của một số dân tộc thiểu số của tỉnh miền núi biên giới, nên một số người Lào, người không quốc tịch (có nguồn gốc từ Lào) đã kết hôn với người Sơn La.
Đa số họ đã cư trú tại khu vực biên giới của Việt Nam khá lâu và không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, quốc tịch. Quan hệ hôn nhân trên thực tế chưa được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hay của nước bạn Lào. Tình hình trên là vấn đề lịch sử, đã tồn tại từ lâu, liên quan thiết thực đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân hai nước.
Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về quốc tịch, hộ tịch có yếu tố nước ngoài khu vực biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Sơn La được tăng cường và quản lý.
Do vậy, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã có bước chuyển biến tích cực. UBND các xã biên giới đã chủ động trong việc quản lý và đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Lào.
“Cho đến nay, tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Sơn La cơ bản đã giảm thiểu tình trạng hôn nhân không đăng ký và giải quyết được phần lớn thực trạng người không quốc tịch cư trú ổn định tại địa phương từ 20 năm trở lên. Kết quả giải quyết về hộ tịch, quốc tịch đã giúp cho nhân dân ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào yên tâm lao động sản xuất, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới và góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước trong thời gian qua”, bà Trần Thị Minh Hòa cho hay.
Để khắc phục tình trạng người dân hai bên biên giới kết hôn nhưng chưa nhập quốc tịch, hộ tịch, ngành tư pháp Sơn La đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi đàm phán với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào để thống nhất đối chiếu danh sách người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của hai bên. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác đối chiếu hồ sơ cá nhân thuộc đối tượng giải quyết.
Phối hợp với các tỉnh phía Bắc Lào giáp ranh với tỉnh Sơn La đối chiếu danh sách người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của hai bên. Hướng dẫn lập hồ sơ xin nhập quốc tịch báo cáo UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, trình và đã được Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam theo Thoản thuận Việt Nam - Lào.
Dù khó nhưng từ năm 2019 đến nay, tỉnh Sơn La đã giải quyết được 299/350 trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú có đủ điều kiện. Nỗ lực này đã tạo chuyển biến tích cực đối với công tác giải quyết quốc tịch, hộ tịch cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú. Qua đó góp phần vào việc duy trì, bảo vệ an ninh, trật tự, ổn định đường biên giới quốc gia, củng cố mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.