Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường, độ dốc, việc tích trữ nước cũng như tác động của việc nghẽn dòng tự nhiên... cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất. Thực tế, một số hiện tượng lũ quét, sạt lở đất trong thời gian qua gây thiệt hại lớn là do tác động của nghẽn dòng.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong 21 loại hình thiên tai, có những loại hình thiên tai có thể nhìn thấy được diễn biến như thế nào như áp thấp nhiệt đới đang được cảnh báo, dự báo trước 3 - 5 ngày, xâm nhập mặn có thể dự báo trước vài tháng. Tuy nhiên có những loại hình thiên tai diễn ra trong quy mô rất hẹp, chúng ta không nhìn thấy được nó như lũ quét, sạt lở đất. Gần đây, vào đầu tháng 7/2021, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy trận lũ quét, sạt lở đất cực kỳ dữ dội ở vùng ven Thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Trận lũ quét, sạt lở đất này gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Đối với một đất nước có khoa học công nghệ phát triển, trình độ và công nghệ dự báo đạt cao như vậy mà mức độ thiệt hại vẫn vô cùng lớn. Đây là thách thức không nhỏ trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất không phải chỉ của riêng Việt Nam mà cả trên thế giới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã bước đầu có các giải pháp tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như: tăng cường độ phân giải trong bản đồ dự báo mưa định lượng lên 1 - 3 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số. Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp bổ sung các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với phân ngưỡng mưa để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.
Mức cảnh báo nguy cơ từ cao đến rất cao, chi tiết theo địa danh hành chính được hiển thị theo phổ màu khác nhau trên bản đồ kèm bảng biểu địa danh khu vực để các cấp quản lý, cơ quan chỉ đạo về phòng chống thiên tai có thể nắm bắt nhanh chóng, trực quan khu vực được cảnh báo.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang chuyển tải các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn qua nhiều kênh thông tin. Cụ thể, đã xây dựng trang tin báo cáo về các thông tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại địa chỉ https://www.khituongvietnam.gov.vn/. Trang tin này đang được vận hành, kết nối, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn được chuyển tải qua kênh chính thức đến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (qua Văn phòng thường trực) với phương thức chủ yếu là ftp (truyền file dữ liệu).
Cùng với đó, các thông tin dự báo còn được chuyển tải qua kênh thông tin chuyên ngành. Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia được chuyển đến Đài Khí tượng thủy văn khu vực, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố. Đài Khí tượng thủy văn khu vực, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố sẽ chi tiết hóa các bản tin dự báo, cảnh báo, sau đó chuyển đến cơ quan phòng, chống thiên tai tỉnh, huyện.
Các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố có quy chế phối hợp với cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương để bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có thể chuyển tải đến người dân địa phương sớm nhất.
Trước mắt, Tổng cục khí tương thủy văn sẽ tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động, tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả việc cảnh báo, dự báo sớm các thiên tai, Tổng cục Khí tượng thủy văn đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn việc tổ chức nhắn tin dự báo, cảnh báo sớm nhất đến người dân địa phương bị tác động bởi thiên tai.
Ngành Khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục thực hiện cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương tại các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, cụ thể hóa dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai để cụ thể hóa chiến lược xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động theo định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới nhằm tiếp tục giảm hơn nữa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh thông tin dự báo cảnh báo hiện nay, đội xung kích phòng, chống thiên tai, đặc biệt là cấp xã, thôn có vai trò vô cùng quan trọng, vì trước mỗi đợt cảnh báo mưa lớn, đội xung kích có thể rà soát lại các khu vực nguy hiểm xem có tắc, nghẽn dòng không, điều đó giúp ích rất nhiều trong việc hạn chế tác động, thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra.