Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” Trung ương và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Bảo vệ an ninh trật tự là sự nghiệp của nhân dân, dựa vào nhân dân, là một bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của cuộc đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã từng bước phát triển, đem lại hiệu quả tích cực. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, nhiều tấm gương quần chúng tiêu biểu, xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đó là công tác tuyên truyền. Tham luận tại hội thảo, Đại tá Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân cho biết, thời gian qua, báo chí, truyền thông Công an nhân dân đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, từng bước nâng cao chất lượng, tăng số lượng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, Cục Truyền thông Công an nhân dân đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển sâu rộng, vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là phong trào của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò nòng cốt, tiên phong của lực lượng Công an nhân dân, Mặt trận Tổ quốc. Thứ trưởng khẳng định, ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy, nơi nào có phong trào tốt thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tội phạm và vi phạm pháp luật giảm, chuẩn mực đạo đức xã hội được tôn trọng, duy trì.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ công tác trọng tâm cần tập trung thực hiện thời gian tới nhằm đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, đi vào lòng dân, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu, trước tiên phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. "Phải thay đổi tư duy, có giải pháp mới để thông tin về phong trào có sức lan tỏa sâu rộng đến được với tất cả người dân; phải thay đổi phương pháp tuyên truyền có sức lan tỏa sâu rộng hơn" - Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ.
Bên cạnh đó tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế, thể chế rõ ràng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả. Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, thể chế cho công tác xây dựng phong trào hoạt động hiệu quả. Bộ Công an đã đề xuất với Nhà nước để xây dựng Luật các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở chuẩn bị được đưa ra trình Quốc hội lấy ý kiến lần đầu vào kỷ họp thứ 5 và theo lộ trình sẽ xin ý kiến biểu quyết vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.