Ngoài ra, tỉnh cũng có gần 6.900 ha ruộng lúa không đảm bảo nước từ nguồn tự chảy, cần bơm hỗ trợ; trong đó vụ Đông Xuân 2018 – 2019 có hơn 3.130 ha, vụ Hè Thu trên 3.760 ha. Trong đó, huyện Triệu Phong dự báo có gần 520 ha đất lúa thiếu nước không sản xuất được. Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, năm 2018 là một trong những năm có lượng mưa thấp nhất trong nhiều năm qua.
Bà Lê Thị Thật, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho biết, do năm 2018 mưa ít, không có lũ lụt nên ngoài việc thiếu nước tưới, thì còn có nguy cơ các loại sâu bệnh gây hại như: ốc bươu vàng, đạo ôn, lùn sọc đen… lây lan mạnh trên cây lúa ngay trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019.
Tính đến ngày 25/12, tổng lượng mưa ở Quảng Trị mới đạt 80% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Dự báo, lượng mưa trong 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh, chỉ đạt 20 – 50% so với trung bình nhiều năm.
Hiện nay, nhiều hồ lớn ở Quảng Trị vẫn chưa tích đầy nước. Cụ thể, hồ Trúc Kinh, dung tích trên 39 triệu m3, tỷ lệ dung tích mới hơn 75%; hồ Kinh Môn, dung tích gần 22 triệu m3, tỷ lệ dung tích gần 69%; hồ La Ngà, dung tích 34,6 triệu m3, tỷ lệ dụng tích 61 %... Do đó, hạn hán sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Để ứng phó với hạn hán, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện khô hạn, điều tiết nước tưới, khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương… Tỉnh dự kiến dành trên 13 tỷ đồng để thực hiện phương án chống hạn.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành chỉ thị về việc, tổ chức thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh năm 2018 – 2019.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước của các hồ chứa và nhu cầu sử dụng nước để xây dựng phương án điều tiết, sử dụng nước hợp lý; tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên từ ao, hồ, sông suối, kênh mương để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2018 - 2019…