Nông dân ấp Thuận Sơn, xã Mỹ Thuận thu hoạch ớt trên đất lúa trước đây. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, kế
hoạch chuyển đổi sản xuất này thực hiện ở 12 huyện, thành phố gồm: An
Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Châu Thành, Gò Quao, Giồng
Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP Rạch Giá. Theo
đó, sẽ chuyển đổi sang cây hàng năm 10.492 ha, cây lâu năm 3.420 ha và
kết hợp nuôi thủy sản 72.713 ha theo mô hình tôm - lúa, lúa - cá nước
ngọt…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, việc chuyển đổi
sản xuất để khai thác, sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trồng
lúa ven biển thiếu nước ngọt chuyển sang phát triển cây hàng năm, cây
lâu năm và kết hợp nuôi thủy sản trên đất lúa phù hợp điều kiện sinh
thái từng vùng của các huyện, thành phố.
Điều này góp phần xây dựng vùng
nguyên liệu tập trung nông sản, thủy sản đáp ứng theo nhu cầu thị
trường. Đồng thời, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị
diện tích. Tiến độ thực hiện từng năm và chuyển đổi theo từng vùng để
hình thành những vùng sản xuất tập trung, an toàn, bền vững, hiệu quả.
Nông dân xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất nuôi tôm sú theo mô hình công nghiệp. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các
địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
nuôi thủy sản trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Từ đó, gắn với tận dụng
tốt tiềm năng, lợi thế, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, thủy nông
nội đồng sẵn có để sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững.
Ngoài ra,
tiếp tục đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi theo quy hoạch, chủ
động nguồn nước phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, thích ứng với biến đổi
khí hậu và nước biển dâng.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng
khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gắn
với phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đầu tư giống, quy
trình sản xuất, hợp đồng tiêu thụ… Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
để tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra
nguyên liệu sạch, chất lượng tốt cung ứng cho chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp,
hiệu quả, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên
kết đầu tư, tiêu thụ nông - thủy sản. Cùng đó, đẩy mạnh đổi mới và phát
triển các hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản, chú trọng sản xuất nông sản
hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác,
liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị…