Trúng mùa trên đất lúa - tôm

Sau nhiều năm chuyển dịch, chưa năm nào cả cây lúa, con tôm cùng trúng, bán được giá cao, tạo điều kiện cho nông dân Bạc Liêu một cái Tết sung túc như năm nay.

Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra mô hình sản xuất lúa - tôm ở huyện Hồng Dân.

Trở lại vùng chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo mô hình lúa - tôm trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, đâu đâu cũng bắt gặp không khí thu hoạch vụ mùa với niềm vui phấn khởi như được nhân đôi.

Với nét mặt rạng ngời, ông Mai Văn Thiết, xã Ninh Thạnh A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu phấn khởi cho biết, năm nay gia đình ông sẽ có một cái Tết thật lớn, có thể lớn nhất từ khi chuyển sang mô hình sản xuất lúa - tôm đến nay.

Theo ông Thiết, thực hiện chủ trương của huyện, năm nay gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm lên 2 ha. Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn lựa chọn giống lúa, giống tôm, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng được đầu tư kiện toàn; đặc biệt là thời tiết năm nay khá thuận lợi, kết quả cả cây lúa và con tôm đều trúng.

Theo tính toán của ông Thiết, sau khi trừ hết các khoản chi phí, vụ này mang về lợi nhuận cho gia đình khoảng 100 triệu đồng, còn tính cả năm gồm 2 vụ tôm và 1 vụ lúa - tôm thì lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Đây là một trong những vụ mùa trúng nhất từ trước đến nay.

Cùng tâm trạng đó, anh Tăng Văn Định, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, dù đang công tác xa nhà nhưng hay tin gia đình thu hoạch vụ tôm càng xanh trúng mùa, được giá, anh tranh thủ về góp sức “gặt hái” thành quả.

Theo anh Định, vụ này gia đình chỉ đầu tư hơn 1 triệu đồng tiền con giống, thả nuôi trên diện tích hơn 1 ha, nhưng cho lãi riêng con tôm hơn 20 triệu đồng; còn năng suất lúa đạt khoảng 5 tấn/ha, sẽ cho thu hoạch trong những ngày tới.

Theo những nhà nông vùng chuyển đổi sản xuất tỉnh này, sau hơn 10 năm áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm xen canh nay đã thấy rõ hiệu quả kinh tế mang lại. Điều đáng phấn khởi là ngoài sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương, sự tích cực hợp tác của nông dân, thì điều kiện thời tiết năm nay rất thuận lợi.

Năm nay lượng mưa nhiều, dứt muộn, cộng với khâu điều tiết nước hợp lý, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng dần được đầu tư đồng bộ, khép kín; đồng thời vào cuối vụ giá đầu ra hạt lúa, con tôm ổn định, đã góp phần lớn cho thành công vụ lúa - tôm năm nay.

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, vụ này địa phương có hơn 9.000 ha theo mô hình lúa - tôm, tăng hơn 2.000 ha so với vụ trước. Hiện nông dân đang vào vụ thu hoạch rộ, với năng suất tôm khoảng 0,2 tấn/ha, lúa khoảng 5 tấn/ha. Theo tính toán, cả lúa và tôm cho lãi hơn 50 triệu đồng/ha, tăng hơn gấp 2 lần so với độc canh cây lúa.

Theo ông Hải, cái lợi của mô hình này là ngoài cải thiện môi trường, tạo màu mỡ phù sa cho đất, hiệu quả kinh tế, xã hội, còn cung cấp cho thị trường nguồn nông, thủy sản sạch.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, vụ lúa tôm năm 2016 - 2017 địa phương xuống giống hơn 31.000 ha, tăng hơn 10.000 ha so với vụ trước; trong đó khoảng 10.000 ha lúa - tôm càng xanh, còn lại lúa - tôm sú và các loại thủy sản khác. Hiện nông dân đang thu hoạch, dự kiến đến giữa tháng 2 tới sẽ thu hoạch dứt điểm. Điều phấn khởi là mô hình này năm nay cho năng suất khá, lợi nhuận đạt hơn 50 triệu đồng/ha.

Theo ông Lân, áp dụng mô hình kết hợp này có nhiều ưu điểm, nhất là cải thiện môi trường sản xuất, không sử dụng thuốc hóa học, tôm nuôi không tốn chi phí thức ăn, lúa không sử dụng thuốc, hạn chế phân bón, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, đặc biệt cho ra sản phẩm sạch, người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá cao.

Mô hình sản xuất lúa - tôm được xác định là mô hình sản xuất mang tính bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, nhất là trong khi sản xuất độc canh con tôm còn nhiều rủi ro, dịch bệnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mô hình này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nhưng gần đây, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự thức tỉnh của người dân sau khi chạy theo độc canh con tôm, sự mạnh dạn đầu tư đồng bộ các điều kiện phục vụ sản xuất, bước đầu mô hình này đã mang lại kết quả.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất mô hình lúa - tôm lên 40.000 ha, tập trung ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai.

Bài và ảnh: Huỳnh Sử (TTXVN)
Niềm vui trúng mùa ở làng biển Vàm Láng
Niềm vui trúng mùa ở làng biển Vàm Láng

Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang là một làng biển lâu đời, với 80% hộ dân sống bằng nghề khai thác biển, chủ yếu đánh bắt xa bờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN