Ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu cho biết, thời gian gần đây ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản của tỉnh này trúng đậm mùa mực ống, trung bình mỗi phương tiện cho năng suất khoảng 1 tấn mực/ chuyến từ 5-7 ngày, lãi từ 50 – 70 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet.
|
Theo nhiều ngư dân, hoạt động khai thác mưch cho lãi cao không hẳn chỉ do trúng mùa, mà còn do họ tự chuyển đổi “công nghệ” khai thác. Trước đây, câu mực bằng cách dùng đèn pha áp suất lớn rọi xuống mặt biển để dụ mực cắn câu. Cách thức đánh bắt này không những kém hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản khác, bởi ánh đèn quá nóng làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản non (nhỏ); hơn nữa, hình thức đánh bắt trên mang tính tận diệt vì bắt cả con lớn, con bé.
Nhưng hiện nay, các tàu câu mực cải tiến bằng cách thả câu, bắt những con mực lớn, bán được giá thành cao. Trung bình mỗi phương tiện đầu tư dàn câu hàng ngàn lưỡi, các lưỡi câu này dùng mồi là tôm mủ (tôm nhựa giả). Cách câu mực này giảm được chi phí rất lớn, nhẹ công, lại năng suất cao, lợi nhuận khá. Đặc biệt, lợi ích nhất từ việc đánh bắt này là khai thác có chọn lọc, không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Mô hình thai thác này mới hình thành trong thời gian gần đây, đến nay chỉ có hơn 10 phương tiện đầu tư chuyên dụng cách đánh bắt này, nhưng 10 tháng qua đã cho sản lượng hơn 1000 tấn. Bạc Liêu có ngư trường rộng gần 21.000 km 2 , với chiều dài bờ biển 56 km chạy dọc ở 3 huyện, thành phố gồm Đông Hải, Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu với 3 cửa biển lớn là Gành Hào, Nhà Mát và Cái Cùng. Toàn tỉnh có hơn 1.100 phương tiện khai thác biển, trong số này có nhiều phương tiện đầu tư sản xuất kết hợp vừa khai thác tôm, cá và câu mực.
Huỳnh Sử