Tuy nhiên, tâm lý của bà con ở nhiều địa phương vẫn ngại chuyển đổi do đầu ra của nông sản còn bấp bênh.
Đầu ra không ổn định
Hiện Việt Nam có 4,03 triệu ha đất trồng lúa, tương đương với 8 triệu ha trồng lúa mỗi năm (vì trồng 2 vụ). Năm 2015, sản lượng thu hoạch được trên 45 triệu tấn lúa, xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, nước biển xâm nhập sâu, hạn hán ngày càng khốc liệt đã khiến 180.000 ha lúa đông xuân và hè thu ở Nam Trung Bộ không thể sản xuất.
Bà con nông dân đang chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa và 1 vụ màu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Trước những khó khăn này, một số địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu. Theo ông Nguyễn Thanh Phong ở ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, gần đây, gia đình ông chỉ trồng 1 vụ lúa. Riêng vụ hè thu, do thiếu nước tưới nên mấy năm nay gia đình đã chuyển đổi sang trồng cây mè. Năm ngoái, 1 công đất (1.000 m2) mè thu hoạch đạt khoảng 150 - 200 kg; bán cho thương lái với giá 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lãi gần 30 triệu đồng/ha. Lợi nhuận vẫn cao hơn so với trồng lúa.
Chuyển đổi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế
Trong một nghiên cứu do ông Tom Kompas (Trường chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Úc) cùng một số cộng sự triển khai cho thấy, việc giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa là tương đối nhiều, nên chuyển đổi một số diện tích đất lúa để trồng các cây phù hợp hơn giúp tăng cường hiệu quả kinh tế. Nếu chuyển đổi 19% đất lúa trên toàn quốc (tương đương với khoảng 1.46 triệu ha đất canh tác) ước tính sẽ làm tăng GDP 5,5 tỷ USD trong 20 năm. Cụ thể tỷ lệ chuyển đổi ở đồng bằng sông Hồng là 6,35% - 9,71%. Tỷ lệ chuyển đổi ở đồng bằng sông Cửu Long là 8,58% - 11,75%. Chính sách này có thể tăng trưởng chung và giảm nghèo.
Thị trường sẽ quyết định việc chuyển đổi
Ông Lê Hồng Nhu, Chánh văn phòng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam: Cần có quy hoạch, tính toán cụ thể trồng cây gì, con gì… để có lợi hơn so với trồng lúa. Vì vừa qua, trồng dưa thì dưa hỏng, nhiều nông sản không có đầu ra. Do vậy, phải tính toán đầu ra cho nông sản trước khi chuyển đổi cây trồng. Còn nếu chưa biết chuyển sang cây gì, con gì… chuyển xong mới tính đầu ra thì rất khó chuyển đổi bền vững, tạo ra thu nhập tăng thêm cho bà con. |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu cho biết: “Việc trồng mè xen canh trên đất ruộng phát triển mạnh vào khoảng 3 năm nay. Vụ xuân hè năm nay, 100% diện tích đất trồng lúa của xã bà con chuyển sang trồng cây mè đen (tương đương 574 ha). Nông dân trồng mè có thu nhập khá hơn trồng các loại màu khác hoặc trồng lúa như trước đây”.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Châu cũng thừa nhận: “Mô hình trồng mè mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng hiện tại, đầu ra cho cây mè vẫn chưa ổn định, chủ yếu là bà con tự bán cho thương lái”.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi trên 11.000 ha từ trồng lúa sang trồng cây màu. Riêng năm 2015, tỉnh đã chuyển đổi được 2.916 ha mè, tăng 1.041 ha; 9.129 ha ngô, tăng 711 ha; 149 ha đậu nành, tăng 101 ha…
Thực tế, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các loại rau màu khác không phải là điều dễ dàng, do chân đất đã ngập phèn, chị Đặng Thị Thùy Hương, ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi đã thử trồng dưa hấu, ngô nhưng năng suất khá thấp. Không những thế, cũng trên cánh đồng đó, hàng chục hécta diện tích trồng ớt ở huyện Gò Công Đông đang bị “bỏ phế” do không có đầu ra ổn định”.
Về phía chính quyền, ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đã có chủ trương vận động người dân giảm bớt một vụ lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức vận động người dân, do vướng đầu ra.
“Chưa có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào lĩnh vực này nên chúng tôi chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì để khuyến cáo cho bà con. Việc sản xuất các loại cây họ đậu, ngô phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu”, ông Trần Hoàng Bá cho biết.
Hỗ trợ các địa phương chuyển đổi
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2016, cả nước dự kiến chuyển đổi khoảng 30.000 ha đất lúa sang các cây trồng khác, tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL. Diện tích chuyển đổi chủ yếu là đất lúa hiệu quả thấp, khó tưới, bấp bênh sang các cây trồng khác, đặc biệt là ngô. Ở ĐBSCL vụ hè thu năng suất thấp, hiệu quả thấp và khó khăn trong thu hoạch do rơi vào mùa mưa, kèm theo chi phí phơi sấy lớn, chất lượng lúa gạo cũng thấp. Do vậy, có định hướng chuyển sang một số cây trồng cạn như: ngô, rau, đậu, đỗ… một số vùng được định hướng chuyển sang mô hình lúa tôm, lúa cá.
Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Chính phủ đã có chủ trương chuyển đổi những vùng trồng lúa bấp bênh sang các cây ít cần nước hơn và chịu được hạn như: ngô, vừng, mè, đậu, lạc, rau… trong đó tập trung vào cây ngô. Vì hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 3 triệu tấn ngô. Hơn nữa, sản xuất ngô vẫn là lương thực có hạt, nên tổng sản lượng lương thực không giảm nhiều.
Bắt đầu từ vụ hè thu năm nay, Chính phủ có Quyết định 915/QĐ-TTg hỗ trợ cho tất cả các vùng miền trong cả nước trồng ngô để chuyển đổi. Các hộ trồng ngô sẽ được hỗ trợ giống ngô, kỹ thuật canh tác, phân phón, công chăm sóc… có giá trị 3 triệu đồng/ha. Thực tế, việc chuyển đổi đang gặp nhiều khó khăn do ngô nhập từ nước ngoài vào Việt Nam đang rẻ hơn ngô sản xuất trong nước khoảng 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do sản xuất ở các nước đã được cơ giới hóa, năng suất cao, chi phí rẻ. Ví dụ: Mỹ năng suất 10 tấn/ha, còn Việt Nam chỉ bằng một nửa. Khiến đầu ra của ngô gặp nhiều khó, không khuyến khích người trồng ngô. Đậu tương cũng là cây chủ lực để chuyển đổi nhưng năng xuất chỉ bằng ¼ so với thế giới khiến giá thành cao hơn.
Do vậy, để giảm chênh lệnh này, từ vụ hè thu năm nay, Chính phủ đã hỗ trợ tới 3 triệu ha. Bên cạnh đó, nông dân cũng phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa để làm giảm giá thành. Thứ hai, phải sử dụng giống đúng liều lượng, ví dụ 1 ha chỉ sử dụng 18- 20 kg ngô, nhưng nhiều nông dân sợ giống chết nên tra 2 hạt khiến giá thành khâu giống tăng gần gấp đôi, mà giống ngô lại rất đắt. Thứ ba là áp dụng các giống ngô biến đổi gen ở những vùng sâu đục thân, cỏ dại nhiều… làm giảm công lao động, ngày công. Tới đây, Cục Trồng trọt sẽ mở các hội nghị chuyên bàn về sản xuất ngô, ngô biến đổi gen để giúp đỡ người trồng ngô giảm chi phí và tăng năng suất.
Ông Ma Quang Trung cho biết các địa phương phải quy hoạch chuyển đổi thì mới được hỗ trợ từ Chính phủ. Trong quy hoạch đó, phải chỉ ra những vùng, diện tích trồng lúa kém hiệu quả, bấp bênh. Đồng thời phải kê khai diện tích hỗ trợ, số hộ được hỗ trợ. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn để tiền hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích. Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn kỹ thuật, giống ngô, thời vụ… Trong QĐ 915 cũng ghi rất rõ, những tỉnh nào chưa cân đối được ngân sách thì Trung ương hỗ trợ, những tỉnh nào tự chủ được kinh phí sẽ tự bỏ ra để hỗ trợ.
Theo quy hoạch được Quốc hội quyết định đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3,76 triệu ha, giảm 52.000 ha (so với Nghị quyết số 17/2011/QH13). Trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3,128 triệu ha giảm 92.950 ha. Trong số 3,76 triệu ha lúa được giữ lại, có khoảng 400.000 ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa. |