Năm 2018, triển khai tiêm vắc xin bại liệt cho trẻ 5 tháng tuổi

Chương trình Tiêm chủng mở rộng thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, hiện nay do nguồn viện trợ quốc tế dành cho Việt Nam đang giảm dần khiến hoạt động tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trưởng Ban quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng về thành tựu năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018.

Tổ chức tiêm chủng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng Quốc gia cho trẻ em tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Thưa Viện trưởng, ông có thể cho biết kết quả nổi bật nhất trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2017 ở Việt Nam?

Năm 2017, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác tiêm chủng. Cụ thể, năm 2017 là năm thứ 18 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 12 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Bệnh sởi và bệnh rubella vẫn được khống chế, không để xảy ra dịch trên toàn quốc.

Đây là năm đầu tiên Dự án Tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế giao chỉ tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% ở quy mô toàn quốc. Dự kiến đến hết năm 2017, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ sẽ đạt trên 95%, hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong đó, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh dự kiến đạt 77 % cao hơn so với năm 2016 (68%).

Trong năm 2017, hoạt động tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6-15 tuổi được triển khai tại 28 huyện nguy cơ cao thuộc 16 tỉnh đã được triển khai với kết quả 2 vòng đạt lần lượt  94,5% và 95%. Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng đạt cao như: Sơn La, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Kiên Giang đạt trên 99%; Cà Mau, Bắc Kạn đạt trên 96%... Đây là nỗ lực rất lớn của cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng tại các tuyến cơ sở, trong bối cảnh Dự án Tiêm chủng mở rộng chỉ cấp đủ vắc xin, vật tư cho tiêm chủng; kinh phí cho việc lập danh sách đối tượng, tổ chức tiêm chủng do các tỉnh phải tự bố trí.

Công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng được tăng cường và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là giám sát bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi. Cũng trong năm nay, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức đánh giá hoạt động giám sát bệnh tại 6 tỉnh/thành phố đại diện. Kết quả của chuyến đánh giá đã giúp rất nhiều cho việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát bệnh trên cả nước.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng gặp khó khăn gì khi mà viện trợ quốc tế dành cho Việt Nam đang giảm dần, thưa Ông?

Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam luôn là một trong những chương trình mục tiêu ưu tiên hàng đầu về y tế và luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền các cấp, sự hỗ trợ về chuyên môn, nguồn lực từ các tổ chức quốc tế. Đó là một điểm thuận lợi rất lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình, sự hỗ trợ của quốc tế đang giảm dần. Như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn lực đầu tư cho tiêm chủng mở rộng bao gồm duy trì và bổ sung trang thiết bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, đào tạo, tập huấn, đặc biệt là triển khai thêm vắc xin mới trong tương lai.

Bên cạnh đó, mặc dù độ bao phủ của tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trên 95% trên quy mô toàn quốc nhưng việc đạt tỷ lệ tiêm chủng cao tại các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn vẫn là thách thức lớn. Chất lượng tiêm chủng tại các vùng khó khăn cũng cần được tăng cường hơn nữa. Việt Nam cũng sẽ phải nỗ lực hơn để tiến tới mục tiêu loại trừ sởi - rubella năm 2025 cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương và giảm tỷ lệ mắc viêm gan B xuống dưới 1% ở trẻ dưới 5 tuổi.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018 sẽ tập trung vào những hoạt động nào, thưa ông?

Trong nhiều năm qua, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Một trong những thành quả quan trọng là duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi hàng năm đạt trên 90%, trong đó năm 2016 và dự kiến năm 2017 đạt trên 95% trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tiêm chủng mở rộng hàng năm. Việc duy trì một tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt cao trong cộng đồng là rất quan trọng trong việc phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra ngày một phức tạp, nhất là tại vùng giáp ranh, vùng núi. Việc tăng cường tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng tại các khu vực này cũng là vấn đề ưu tiên đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của cán bộ làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, năm 2018, chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ sau sinh nhằm phòng chống bệnh viêm gan B mạn tính; đồng thời, tăng cường trang thiết bị, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin cho các vùng khó khăn, thay mới các trang thiết bị đã quá niên hạn sử dụng để đảm bảo cho việc bảo quản, vận chuyển vắc xin và thực hiện tiêm chủng ngoài cơ sở y tế.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của quốc tế, năm 2018, Việt Nam sẽ triển khai thêm vắc xin bại liệt qua đường tiêm (IPV) cho trẻ 5 tháng tuổi với mục tiêu đạt tỷ lệ trên 90%. Cũng trong năm 2018, hoạt động tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6-15 tuổi tại 28 huyện vùng nguy cơ cao sẽ triển khai tiêm vòng 3 (kết quả tiêm vòng 1, vòng 2 đã triển khai trong năm 2017 đều đạt trên 96%) với mục tiêu cả 3 vòng sẽ đạt trên 95%, vượt chỉ tiêu Bộ Y tế giao (90%). Ngoài ra, dự án Tiêm chủng mở rộng cũng sẽ tiếp tục triển khai hoạt động tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ vùng nguy cơ cao trong năm 2018.

Để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, ông có những lời khuyên gì đối với các gia đình?

Hiện nay, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế tốt song vẫn có nguy cơ quay trở lại nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Các bố mẹ nhớ tuân thủ lịch tiêm chủng cho con mình vì chính những trẻ chưa có miễn dịch phòng bệnh là những trẻ dễ mắc bệnh nhất. Các gia đình hãy tự trang bị cho con mình hành trang tốt nhất là sức khỏe để phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin dự phòng thông qua việc tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Tiêm chủng giúp bảo vệ sức khỏe của con bạn.

Bên cạnh việc triển khai tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã/phường, năm 2018, dự án Tiêm chủng mở rộng cũng sẽ tăng cường chỉ đạo việc tiêm vét cho những trẻ hoãn tiêm; đồng thời triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao. Vì vậy, nếu vì bất cứ lý do nào dẫn đến việc lỡ mũi tiêm chủng của trẻ, gia đình hãy cho trẻ đi tiêm trở lại càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh cũng luôn phải ý thức rằng việc theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm cũng rất quan trọng góp phần đảm bảo tiêm chủng an toàn. Các biểu hiện bất thường sau tiêm cần được phát hiện sớm để được xử trí kịp thời và tránh được rủi ro đáng tiếc xảy ra với các bé…

Trân trọng cảm ơn Viện trưởng! 

Thu Phương (Thực hiện)
TP Hồ Chí Minh ra mắt trung tâm tiêm chủng vắc xin chuẩn  '5 sao'
TP Hồ Chí Minh ra mắt trung tâm tiêm chủng vắc xin chuẩn '5 sao'

Với quy mô 30 phòng khám và phòng tiêm chủng, Trung tâm tiêm chủng VNVC cung cấp đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ em và người lớn, kể cả những vắc-xin thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN