Năm 2016 nóng nhất trong lịch sử thế giới

Năm 2016 đã đi vào lịch sử khí tượng thế giới khi trở thành năm nóng nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất vào năm 1880.

Trẻ em giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng tại Santiago, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nhiệt độ trung bình của Trái Đất đạt mức cao kỷ lục, do vậy để khí hậu Trái Đất bớt nóng thì nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là việc làm rất cần thiết.

Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 18/1 cho biết trong năm ngoái, nhiệt độ trung bình ở đất liền trên toàn cầu và trên các bề mặt đại dương cao hơn khoảng 1,1 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Tổng thư ký WMO ông Petteri Taalas nhấn mạnh "những chỉ số về tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã lên tới những mức cao kỷ lục mới trong năm 2016 trong bối cảnh nồng độ khí CO2 và khí mêtan lập đỉnh mới" và đây chính là những thủ phạm gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, báo cáo của WMO cũng ghi nhận độ dày của băng tại biển Bắc Cực tiếp tục giảm xuống những mức rất thấp. Theo đó, băng tại Greenland bắt đầu tan sớm và nhanh hơn so với trước đây và đây là một trong trong những nguyên nhân chủ yếu khiến mực nước biển tăng.

Cụ thể, băng tại Bắc Cực tụt xuống mức thấp kỷ lục cả vào đầu mua tan băng là tháng 3 lẫn vào lúc cao điểm của thời kỳ đóng băng trở lại thông thường vào tháng 10 và 11.

Dựa trên các phân tích của WMO, ông Taalas cho rằng Bắc Cực đang ấm lên gấp 2 lần trước đây và tình trạng liên tục tan băng trên biển đã làm thay đổi thời tiết, khí hậu và sự lưu thông của các đại dương ở nhiều nơi trên thế giới.

Cũng theo báo cáo trên, trong năm 2016 đã xảy ra nhiều vụ thiên tai gây gián đoạn và tổn thất lớn về kinh tế xã hội. WMO cũng gắn những thiên tai liên quan đến thời tiết với các kết luận gần đây của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), theo đó cho biết trong năm 2015 có thêm 19,2 triệu người mất nhà cửa do thời tiết, khí hậu và những rủi ro mang tính địa lý ở 113 quốc gia.

Con số này cao gấp hai lần so với số người mất nhà do những cuộc xung đột và bạo lực liên quan đến con người. Trong khi đó, nước biển nóng kỷ lục cũng khiến tình trạng san hô bị tẩy trắng và chết trở nên phổ biến.

TTXVN/Tin Tức
Kết thúc chuỗi tháng nắng nóng kéo dài nhất trên Trái Đất
Kết thúc chuỗi tháng nắng nóng kéo dài nhất trên Trái Đất

Tháng 9/2016 đã trở thành tháng 9 có nền nhiệt cao thứ 2 trong lịch sử, kết thúc chuỗi 16 tháng nắng nóng kỷ lục liên tiếp và kéo dài nhất trong 137 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN