Mòn mỏi đợi công bố chất lượng môi trường nước sông Gâm

Gần 1 năm sau sự cố môi trường tại đây, cá vẫn tiếp tục chết, người dân vẫn mòn mỏi đợi ngày công bố chất lượng môi trường nước sông Gâm.

Lứa cá chiên mới nuôi của ông Trần Văn Tường, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê đã chết gần hết (ảnh chụp ngày 24/11/2016).

Gần 1 năm sau sự cố vỡ bể chứa chất thải ở nhà máy tuyển nổi chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CKC tại huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), các hộ nuôi cá trên sông Gâm đoạn qua địa bàn huyện giáp ranh Bắc Mê (Hà Giang) vẫn không khỏi băn khoăn khi vẫn chưa có công bố chính thức về chất lượng nước sông Gâm từ cơ quan chức năng.

Ngày 5/1/2016, bể chứa chất thải ở nhà máy tuyển nổi chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CKC tại xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm xảy ra sự cố nghiêm trọng; do vỡ cống xả đáy bể chứa nên chất thải tràn ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước sông Gâm.

Thời điểm đó, kết quả kiểm tra tổng quan của Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho thấy đoạn sông Gâm từ xóm Lạng Cá qua địa phận huyện Bắc Mê có nhiều mảng bám màu xám đục trên nền cát và đá cuội; nước sông có màu xám đục, mùi hắc. Phân tích mẫu nước chỉ rõ: Nguồn nước sông Gâm có nguy cơ ô nhiễm cao do các chỉ số PH, COD, chì… vượt ngưỡng cho phép.

Theo UBND huyện Bắc Mê, sự cố gây thiệt hại đối với 20 hộ dân nuôi cá lồng và chăn thả vịt trên sông. 7 trong số 20 hộ này đã yêu cầu công ty CKC đền bù thiệt hại, với số lượng thiệt hại lúc đó lên tới 4 tấn cá các loại và trên 100 con vịt bị chết (thống kê do người dân và cơ quan chức năng địa phương thực hiện).

Xung quanh chuyện bồi thường thiệt hại, đã có nhiều ý kiến bất đồng về số lượng thiệt hại. Phía công ty CKC cho rằng, thực tế xác minh và mức thiệt hại được khai báo là không khớp, không đủ bằng chứng để công ty đền bù cho các hộ gia đình. Kết quả là mãi đến tháng 8/2016, 7 hộ nói trên chỉ được Công ty CKC hỗ trợ con giống với tổng giá trị trên 200 triệu đồng theo hai hình thức (đối với cá: tính thể tích m3 lồng nuôi; đối với vịt: đếm số con bị chết).

Gia đình ông Trần Văn Tường tại thôn Pắc Sáp, thị trấn Yên Phú khai báo số lượng cá bị ảnh hưởng bởi sự cố lên tới 1,2 tấn cá, trong đó chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như chiên, lăng, bỗng... Làm nghề sông nước từ năm 2004, nhưng chưa bao giờ ông Tường rơi vào cảnh khốn khổ như năm 2016.

Từ sau sự cố tháng 1/2016, sông không có cá; gia đình ông Tường cũng như các hộ khác quanh đây đều không nuôi được cá, nên không có thu nhập từ cá. Số tiền mà Công ty CKC hỗ trợ gia đình ông Tường và các hộ khác là không thỏa đáng, bởi riêng gia đình ông mỗi năm nuôi khoảng 1 tấn cá các loại. Trừ hết chi phí các loại, còn thu về từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Do vậy, số tiền 28,8 triệu đồng mà Công ty CKC hỗ trợ (tính cho 17,3 m3 lồng nuôi) chẳng thấm gì so với mức thu nhập các năm trước của gia đình, ông Tường ngậm ngùi nói.

Xót ruột vì lồng bè để lâu cứ hỏng dần, vừa qua ông Tường bỏ ra gần 20 triệu đồng mua cá chiên giống về nuôi nhưng đến nay cá cũng chết gần hết. Với kinh nghiệm sông nước, ông Tường khẳng định cá chết là do ảnh hưởng bùn thải của Công ty CKC. Những năm trước chưa bao giờ thấy hiện tượng này, nhưng đến năm nay, cá các loại kể cả nuôi cũ và nuôi mới đều chết.

Chung cảnh ngộ với với gia đình ông Tường, ông Nguyễn Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại, Du lịch và Khai thác Thủy sản Thành Tuyên tại thị trấn Yên Phú cho hay, gia đình ông có 17,3 m3 lồng nuôi cá. Số cá bị thiệt hại do sự cố là 400 kg các loại. Theo giá thị trường, 400 kg cá trên trị giá 150 triệu đồng. Cho nên, số tiền 28,8 triệu đồng mà công ty CKC hỗ trợ gia đình ông là không hợp lý.

10 năm qua, Hợp tác xã Thương mại, Du lịch và Khai thác Thủy sản Thành Tuyên duy trì có hiệu quả hoạt động nuôi và kinh doanh thủy sản và khai thác du lịch trên sông Gâm, với lợi nhuận trừ chi phí đạt khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 16 thành viên với thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng. Do sự cố môi trường, từ ngày 5/1/2016 đến nay, doanh thu của Hợp tác xã là 0 đồng. Hợp tác xã xác định giải thể bởi thành viên thì mỗi người một ngả đi kiếm sống bằng nghề khác, ông Thành nói.

Cực chẳng đã, sau những ngày đằng đẵng chờ đợi một công bố rõ ràng về môi trường nước sông Gâm, ngày 12/9, ông Tường và ông Thành cùng đại diện 3 hộ dân bị thiệt hại khác đã đâm đơn khiếu nại lên huyện. Trong đơn nêu rõ: Được sự giúp đỡ của Đảng và chính quyền, dân nghèo sông nước đã có được cuộc sống tạm ổn định, thì nay tai nạn (sự cố môi trường của Công ty CKC) khiến bà con bị mất sạch toàn bộ về kinh tế. Kể từ đó đến nay, bà con đều phải đi làm thuê kiếm tiền sinh hoạt, chờ đợi ngày tái sản xuất...

Liên quan đến công tác giải quyết vụ việc, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang tiếp tục quan trắc và giám sát môi trường đối với các mẫu nước và trầm tích đáy sông trong thời gian 12 tháng để kiểm soát môi trường nước sông Gâm…

Đến ngày 29/7, tại cuộc họp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Mê và Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC, các bên đã thống nhất để tỉnh Cao Bằng có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc chất lượng nước sông Gâm lưu vực từ điểm xả của nhà máy tuyển nổi chì, kẽm đến địa bàn huyện Bắc Mê trong tháng 8/2016 và sớm tổ chức thông báo mức độ ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của sự cố.

Bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Sự việc tính đến nay đã gần 1 năm mà vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các hộ nuôi cá lồng ở Bắc Mê rất băn khoăn và không yên tâm tái đầu tư. Theo thẩm quyền, UBND huyện Bắc Mê đã có ý kiến đến hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, tuy nhiên lại nhận được thông báo rằng, thẩm quyền công bố chất lượng môi trường là của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bà Củng Thị Mẩy đề nghị: Để nhân dân yên tâm nuôi trồng thủy sản trên dòng sông Gâm, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước mắt phải thực hiện quan trắc môi trường nước sông Gâm và thông báo công khai cho người dân biết mức độ ảnh hưởng, chất lượng nước sông để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân. Về việc cá lồng trên sông Gâm mới đây bị chết, huyện sẽ cho cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân, sau đó mới có giải pháp cụ thể.

Vậy là gần 1 năm sau sự cố môi trường của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CKC, cá vẫn tiếp tục chết, dân vẫn mòn mỏi đợi ngày công bố chất lượng môi trường nước sông Gâm. Tuy nhiên, việc công bố chất lượng môi trường nước chưa hẳn đã xong, bởi người dân Bắc Mê và cán bộ nơi đây cho biết, hiện tượng xả thải trên sông Gâm là vẫn còn. Vụ việc cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm.

Bài và ảnh: Hồng Quảng (TTXVN)
Điều tra vụ cá chết bất thường ở Sa Pa
Điều tra vụ cá chết bất thường ở Sa Pa

Sự việc cá chết bất thường ở Sa Pa đang được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN