Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm cho biết, đợt nắng nóng vừa qua nguyên nhân là do cơn bão Lekima di chuyển lên phía Bắc, đổ bộ vào khu vực phía Đông của Trung Quốc, tạo ra trường gió phân kỳ là hoàn lưu gió mang hướng Bắc đến Tây Bắc, góp phần mang theo không khí lục địa nóng từ phía Bắc xuống nước ta.
Dưới tác động của hoàn lưu gió Bắc đến Tây Bắc này các tỉnh miền Bắc trời ít mây, nắng mạnh, nền nhiệt ngày tăng cao, Bắc Bộ chịu ảnh hưởng rõ nhất của hoàn lưu này vì thế ở các tỉnh miền Bắc trời nắng nóng diện rộng, thậm chí mức nhiệt ở Bắc Bộ còn gay gắt hơn cả miền Trung.
Thời gian nắng nóng ở Bắc Bộ cũng xuất hiện sớm hơn, từ ngày 9/8 tới nay, trong khi ở các tỉnh miền Trung nắng nóng diện rộng lại bắt đầu muộn từ ngày 11/8, cường độ nóng ở Bắc Bộ cũng gắt hơn. Ví dụ như ngày 13/8 nắng nóng ở miền Trung không xảy ra nhiều, chỉ là ở Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên với mức nhiệt cao 35 - 37 độ C là phổ biến thì ở miền Bắc nắng nóng lại diễn ra trên diện rộng với nhiệt độ cao 36 - 38 độ C, tại Hòa Bình và Hà Nội có nhiều điểm đạt mức trên 38 độ C (nắng nóng gay gắt).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 15/8, nắng nóng và có nơi nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra diện rộng ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ lúc 13h trưa nay phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Dự báo, ngày 16/8, do ảnh hưởng của đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ở các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C; Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 - 16 giờ.
Cảnh báo, Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Do ảnh hưởng của nắng nóng nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư; nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.
Ngày 16/8, chỉ số tia UV cực trị ở Hà Nội và Đà Nẵng ở mức nguy cơ gây hại cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.