Mau chóng 'chữa bệnh' cho Cây đa Bác Hồ

Như thông tin mà báo Tin Tức đã đưa, cây đa Bác Hồ trong công viên Thống Nhất (Hà Nội) đang bị nhiễm bệnh rệp muội, ảnh hưởng đến sức sống và tính thẩm mỹ của cây. Không chỉ vậy, một nhánh phía đông của cây (hướng phía ĐH Bách Khoa Hà Nội) hiện đang có biểu hiện héo rũ, rụng lá và có nguy cơ bị chết.

Theo quan sát của phóng viên, nhánh cây này chỉ có một rễ phụ lớn gần sát gốc đã phát triển bám đất từ lâu, nên nay đã to như một thân phụ. Còn lại từ đó lên trên ngọn, cây không có rễ phụ nào.

Nhánh cây phía Đông có biểu hiện rụng lá, héo úa.


Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia sinh vật, chúng tôi được biết, các rễ phụ của loài cây đa, đề, si giữ vai trò quan trọng trong việc tạo thế vững chãi, cũng như sức sống của cây. Nó giúp cây hút được nhiều dinh dưỡng để phát triển tốt.

Nhánh cây chỉ có một rễ phụ đã phát triển từ lâu, gần gốc cây.


Còn lại không có rễ phụ nào giúp nâng đỡ và nuôi dưỡng nhánh cây này.


Với kinh nghiệm khảo sát cây di sản trên khắp cả nước, trong đó có nhiều cây đa, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, nhiều cây cao tuổi có rễ chính chết nhưng rễ phụ lại phát triển mạnh nên cây không chết. Có khi rễ phụ phát triển mạnh đến mức tạo thành thân cây phụ.

Cây đa có tên khoa học là Ficus bengalensis, có thể sống 100 – 200 năm tuổi do khả năng thích ứng nhanh với mọi điều kiện sống.

Cây đa trong công viên Thống Nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng ngày 11/1/1960. Như vậy, đến nay cây đã 54 tuổi.
Về việc nhánh phía Đông của cây đa Bác Hồ trong công viên Thống Nhất không có rễ phụ và đang bị héo úa, có nguy cơ chết, GS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, rễ phụ giúp cây trở nên vững chắc hơn, hút được nhiều dinh dưỡng hơn nên chúng ta không nên chặt bỏ các rễ phụ. “Về lý thuyết, nếu cắt rễ phụ thì không ảnh hưởng gì nhiều vì cây vẫn còn rễ chính. Tuy nhiên, nếu không có thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển”, GS Huỳnh cho hay.

Còn theo ông Vũ Văn Dũng, thành viên hội đồng công nhận Cây Di sản (VACNE), có thể tạo thêm rễ phụ cho cây bằng cách khoanh vỏ (cắt một đoạn vỏ cây) để cây sinh rễ và nuôi dưỡng cho nó đâm xuống đất.

Về điều kiện thời tiết, cây phải tiếp xúc nhiều với nắng, không bị râm mát, thường xuyên tỉa lá cho thân cây lộ ra nắng. Khi thấy rễ phụ ra khoảng chừng 10 cm thì dùng chai đổ nước vào cho rễ phụ chui vào đó; rễ dài đến đâu, chai theo đến đó. Khi chai chạm đất thì tháo chai cho rễ xuống đất phát triển.

Theo các chuyên gia, có thể tạo thêm rễ phụ cho nhánh cây này.


Ông Dũng nhắc lại câu chuyện Bác Hồ từng nuôi dưỡng cây đa Độc lập trong Phủ Chủ tịch bằng cách buộc ống bơ sữa bò chứa nước vào các rễ phụ của cây. Đến nay, các rễ đó đã phát triển như một thân cây mới. Thiết nghĩ, công viên Thống nhất có thể áp dụng cách này để tạo thêm rễ phụ cho nhánh cây phía Đông, giúp nó phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, cây đa Bác Hồ còn nhiễm bệnh rệp muội...


Khiến lá cây có lớp đen bám vào trông như muội đèn. Các chuyên gia cho rằng bệnh này có thể chữa khỏi được.


Về căn bệnh rệp muội trên cây đa Bác Hồ, ông Nguyễn Anh Kết, GĐ Công ty Thanh Hà (đơn vị có kinh nghiệm chữa bệnh cho cây đa Tân Trào), cho rằng, chữa bệnh này không khó, chỉ cần phun thuốc trừ sâu là được.

Cây đa Bác Hồ không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh học, cảnh quan mà còn có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Do đó, rất cần được chăm sóc, bảo vệ.


Còn theo ông Vũ Văn Dũng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), thời tiết rét như những ngày qua không ảnh hưởng nhiều đến cây, do sức sống của cây đa rất lớn. Ông Dũng thường xuyên vào CV Thống Nhất tập thể dục nên ông biết cây đa này có nhiều lá, vỏ cây dày. Do đó, khả năng cây “nhiễm lạnh” dẫn đến héo úa là không có.


Hoàng Dương
Cây đa Bác Hồ bị bệnh rệp muội
Cây đa Bác Hồ bị bệnh rệp muội

Cây đa Bác Hồ trồng tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) hiện đang bị bệnh rệp muội khiến lá cây đa bị đen như bị muội đèn ám vào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN