Thị trường thực phẩm chức năng vẫn đang bị thả nổi, thật giả lẫn lộn. |
Tràn lan khó kiểm soát
Nhìn thấy trên một trang facebook rao bán sản phẩm bột diệp lục, được quảng cáo là hàng xách tay Nhật Bản với rất nhiều tác dụng cho sức khỏe như: Thanh lọc cơ thể, giữ cân, chống táo bón..., chị Đinh T.C (Thanh Xuân, Hà Nội) liền đặt mua một hộp 92 gam với giá 700.000 đồng. Tuy nhiên sau khi uống một thời gian chị C. không thấy những tác dụng như quảng cáo, cân nặng vẫn tăng mà các tác dụng thì rất khó nhận thấy được.
“Sau khi tìm hiểu tôi thấy sản phẩm này được rao bán rất nhiều trên mạng, nhưng mỗi trang lại quảng cáo khác nhau, giá cả được rao bán cũng khác nhau; thậm chí có cả thông tin sản phẩm này là của một công ty bán hàng đa cấp không đáng tin cậy nên tôi phải đã dừng không sử dụng nữa”, chị C. cho biết.
Không chỉ chị C., rất nhiều người vì tin và mua những sản phẩm thực phẩm chức năng kém chất lượng bị trà trộn, quảng cáo qua mạng dưới mác “xách tay” đã phải tiền mất tật mang.
Chưa bao giờ thực phẩm chức năng lại đa dạng và dễ dàng mua bán, sử dụng như hiện nay. Trên các trang mạng, rất nhiều loại sản phẩm được quảng cáo và bán tràn lan với đủ loại nguồn gốc và mức giá khác nhau từ vài chục nghìn đồng tới cả triệu đồng/sản phẩm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn được quảng cáo thổi phồng như thần dược, chữa đủ loại bệnh khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua sử dụng với mong muốn tăng cường sức khỏe.
Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay nước ta có tới hơn 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với khoảng gần 7.000 sản phẩm. Thị trường thực phẩm chức năng đang phát triển nở rộ nhưng lộn xộn và khó kiểm soát; giá cả các sản phẩm bán ra không theo một căn cứ nào, cùng một loại nhưng mỗi nơi một giá khác nhau.
Thực phẩm chức năng được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, rất nhiều các mạng kinh doanh đa cấp thường quảng cáo các sản phẩm này có tác dụng như thần dược, đẩy giá sản phẩm lên cao hơn nhiều so với giá trị thật. Thậm chí, nhiều cơ sở còn làm giả với các hình thức đóng gói, in ấn bao bì rất tinh vi, khó phát hiện. Dựa vào lòng tin của người tiêu dùng, kinh doanh thực phẩm chức năng đang có những biến tướng làm nhiều người tin và bỏ tiền ra mua, thậm chí bị lừa do chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Trong khi đó người mua không có công cụ để kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng, chỉ biết tin theo những gì mà các đơn vị sản xuất, kinh doanh quảng cáo.
Cần “siết” bằng chế tài mạnh
Vừa qua Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã liên tục phát hiện, thu hồi nhiều lô thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, quảng cáo không đúng sự thật và xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Đơn cử như trong tháng 8 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện và tiến hành xử phạt nhiều vụ việc như: Phạt Công ty Cổ phần Dược phẩm quốc tế USA (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) số tiền 84 triệu đồng với hành vi: Sản xuất 2 lô hàng giả, không có giá trị sử dụng là: Lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Arginin B.Complex Extra (số lô: 020916) và lô sản phẩm Anphavit calci nano (số lô: 020417); sản xuất 1 lô sản phẩm Pediasure ăn ngon ngủ tốt (số lô: 010117) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; đồng thời sử dụng 20 người người lao động không mang, mặc trang phụ bảo hộ theo quy định, không có đủ trang thiết bị phù hợp theo quy định để bảo quản các loại thực phẩm.
Cục cũng xử phạt Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Pháp Âu (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) với hành vi: Buôn bán lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu (số lô: 261015), là hàng giả không có giá trị sử dụng. Công ty cổ phần dược và thiết bị y tế Hà Tây (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) cũng bị xử phạt 8 triệu đồng với hành vi sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phyperus DHA (lô SX: 191216) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng….
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong tháng 9 vừa qua, Cục đã phát hiện và xử phạt 33 cơ sở vi phạm, số tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả. Trong năm 2016, Cục cũng đã thực hiện thanh, kiểm tra và phát hiện, xử lý 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm với số tiền phạt 5,7 tỷ đồng.
Những vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả này đã bị phát hiện và công bố công khai trên các phương tiện đại chúng để người tiêu dùng được biết và răn đe những hành vi sai phạm.
Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam: Thực trạng thực phẩm chức năng bị làm giả, làm nhái đã đến mức báo động. Các vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Cũng theo ông Đáng, nguyên nhân của thực trạng nói trên là do hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng còn lỏng lẻo, đến nay vẫn chưa có Nghị định nào quy định về quản lý thực phẩm chức năng, việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý các cơ sở sản xuất chưa được chặt chẽ, thị trường thực phẩm chức năng vẫn đang bị thả nổi.
Các chuyên gia cũng lo ngại với thực trạng các sản phẩm thực phẩm chức năng đang “nở rộ” như hiện nay, việc làm giả, làm nhái cũng khó kiểm soát; nếu các cơ quan chức năng không siết chặt quản lý thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất không chỉ là người tiêu dùng mà còn cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm đang xây dựng Nghị định quản lý thực phẩm chức năng, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn.
Bên cạnh đó Bộ Y tế cũng đang tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện các sai phạm, đồng thời xử phạt và “bêu” tên trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng mức răn đe.