Lo nước sạch cho dân

Chất lượng nước sạch có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, tuy nhiên hiện hơn 60% người dân ngoại thành Hà Nội vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Thấp thỏm

Mới sử dụng bộ lọc nước được 2 tháng, ông Dương Văn Khơ (60 tuổi) ở thôn Nội (xã Văn Hoàng, Phú Xuyên) đã phải thay củ lọc, dù theo quy định 6 tháng mới phải thay một lần. Nguyên nhân là vì nguồn nước ngầm của xã bị ảnh hưởng do gần sông Nhuệ. Ông Khơ cho biết: “Giếng phải khoan sâu trên 40 m thì mới có nguồn nước tạm đảm bảo, nhưng dù thế, khi dùng máy lọc nước và màng lọc đen quánh lại. Người dân chúng tôi rất lo lắng tình trạng này và mong có nguồn nước sạch tập trung để đảm bảo sức khỏe. Nguồn nước bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến số người bị mắc bệnh ung thư của xã lên đến 30 người trong 10 năm trở lại đây”.

Ông Dương Văn Khơ đang phải thay củ lọc máy lọc nước bị đen quánh sau 1-2 tháng sử dụng.


Còn hộ ông Nguyễn Đình Tuân, xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) vẫn đang dùng nước giếng khoan nhiều năm nay cũng lo lắng về tình trạng chất lượng nước giếng khoan. “Năm trước, có đoàn kiểm tra y tế - môi trường lấy mẫu nước giếng khoan xét nghiệm, trong đó hàm lượng asen cao gấp 2 - 3 lần cho phép. Do đó, gia đình tôi xây bể chứa nước mưa để dùng ăn uống; còn lại giặt giũ, rửa bát… thì sử dụng nước giếng khoan để đảm bảo sức khỏe”, ông Nguyễn Đình Tuân cho biết.

Ngay huyện sát Thủ đô như Gia Lâm hiện vẫn còn tới 5 xã, thị trấn có tỷ lệ người sử dụng nước sạch là 0% là xã Văn Đức, Kim Sơn, Lệ Chi, Dương Hà và Trung Mầu. Còn tỷ lệ dùng nước sạch tại xã Phù Đổng chỉ có 1,74%, xã Ninh Hiệp là 1,46%, xã Kim Lam là 8,22%. Bà Nguyễn Thị Duyên, xã Kim Sơn (Gia Lâm) cho biết: “Nước giếng khoan sau khi qua bể lọc có màu vàng khè khiến chúng tôi lo lắng đến sức khỏe nên mua nước bình lọc về nấu ăn. Còn nước giếng khoan chỉ dám dùng tắm giặt, vệ sinh”. Ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm cho biết: “Xã Kim Sơn là một trong những địa bàn nguồn nước bị nhiễm sắt nặng. Do chưa có nguồn cấp nước sạch đô thị, người dân trong xã Kim Sơn đã tự đầu tư 4.386 công trình cấp nước nhỏ, lẻ phục vụ sinh hoạt”.

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư

Toàn thành phố có 106 trạm cấp nước sạch nông thôn, thì chỉ có 81 trạm đang hoạt động, đủ khả năng cung cấp nước ổn định cho khoảng 300.000 người. 25 trạm còn lại đang tạm dừng hoạt động, trong đó có 10 trạm được đầu tư xây dựng từ những năm 1990 đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; 4 công trình đầu tư xây dựng dở dang và 11 trạm cấp nước đã được thay thế bằng hệ thống nước sạch đô thị của thành phố.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, tính hết năm 2014, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 36,68% và mục tiêu đến hết năm 2015 có 40% dân khu vực nông thôn được dùng nước sạch.

Theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố, việc xây dựng trạm cấp nước sạch vẫn là ưu tiên trong việc phủ mạng lưới cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, Hà Nội đang triển khai 7 dự án trạm cấp nước sạch, trong đó có 3 dự án tại Mỹ Đức, Thạch Thất và Phúc Thọ đã khởi công, dự kiến đến hết 2015 sẽ cấp nước cho 3 khu vực này. Với 4 dự án còn lại, thành phố đang có kế hoạch phân bổ vốn đối ứng để thực hiện trong các năm tiếp theo. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, thành phố đã có chỉ đạo đầu tư xây dựng 6 trạm nước sạch liên xã cho những khu vực được xác định là ô nhiễm nặng. “Kinh phí triển khai 6 dự án này từ nguồn ngân sách thành phố nhưng hiện mới chỉ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và chưa bố trí được nguồn vốn”, ông Trần Xuân Việt cho biết.

Cùng với việc xây dựng hệ thống nước sạch tập trung, thành phố đang triển khai thực hiện dự án cung cấp 40.000 thiết bị xử lý nước cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và chưa đủ điều kiện xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung trước năm 2020. Trong giai đoạn 2012 - 2013, thành phố đã cung cấp được 10.000 thiết bị, nhưng giai đoạn 2014 - 2015, do không bố trí được vốn (khoảng 100 tỷ đồng) nên 30.000 bộ lọc còn lại vẫn chưa được cấp cho dân. Dự án sẽ tiếp tục được triển khai vào năm 2016 khi được thành phố bố trí vốn.

Việc kêu gọi xã hội hóa xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung cũng đang được thành phố chú trọng. Ông Trần Xuân Việt cho biết: “Thành phố đang đôn đốc các sở, ngành hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể tham gia lĩnh vực này. Với mỗi công trình nước sạch liên xã ước tính vốn đầu tư khoảng 70 - 120 tỷ đồng. Do đó, việc xã hội hóa là rất cần thiết để giảm tải cho ngân sách thành phố”.

Xuân Minh - Ngọc Bích
Điểm sáng mô hình tự quản công trình nước sạch
Điểm sáng mô hình tự quản công trình nước sạch

Nhờ sự quan tâm của chính quyền, cũng như ý thức của bà con trong công tác duy tu, bảo dưỡng và tự quản các công trình; nên từ khi xây dựng xong cho đến nay, cả 6 công trình nước sạch của xã vùng cao Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN