Chật vật tìm việc
Lao động nữ, nhất là lao động nữ di cư đã có tuổi luôn phải chật vật tìm việc. Chị Trần Thị Thu Hiền (Quế Võ, Bắc Ninh) trước đây làm ở một công ty tại Hà Nội. Là phụ nữ di cư, với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, chị Hiền không bảo đảm được cuộc sống khi phải thuê nhà trọ và trả tiền gửi con. Vì thế, chị Hiền trở về quê ở với bố mẹ và gửi con cho ông bà để tiết kiệm chi phí.
“Với chúng tôi, quan trọng nhất là việc làm, tiếp đến là sức khoẻ”, chị Hiền chia sẻ. Do đó, để tìm việc làm, chị Hiền đã tham gia các phiên giao dịch việc làm tại địa phương với mong muốn tìm việc làm phù hợp. Với kinh nghiệm quản lý kho, chị Hiền xác định tìm công việc có mức thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Số tiền này sống ở quê sẽ dễ thở hơn thành phố lớn.
Còn chị Trịnh Thị Tươi (44 tuổi) từng làm công ty sản xuất điện tử gần chục năm ở Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ 1, đã mấy lần chuyển công ty, nhưng sức khỏe không đáp ứng được do mắt kém, tay tê nên phải tự xin nghỉ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Chị Tươi vẫn muốn tiếp tục làm công nhân bởi có thu nhập ổn định và cao hơn làm nông. “Với sức khoẻ như hiện nay, tôi tính đến phương án học nghề, dịch vụ chuyển sang buôn bán nhỏ”, chị Tươi chia sẻ.
Trong hoàn cảnh ương tự, chị Nguyễn Thị Lệ (39 tuổi) từng làm ở doanh nghiệp tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhưng công ty hết việc, giải thể, nên chị Lệ bị mất việc. “Tôi còn sức khỏe, vẫn muốn đi làm công ty, nhưng khi xem hồ sơ đã bị loại do thiếu kỹ năng nghề họ cần. Tôi đã tham gia phỏng vấn tại đơn vị làm may mặc và dự tính làm một thời gian có tích luỹ sẽ về quê...”, chị Lệ chia sẻ tại phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội mới đây.
Ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Qua công tác phân tích, dự báo thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh, thị trường lao động, việc làm tại địa phương khá sôi động, đa dạng về phân khúc tuyển dụng. Điều này dễ thấy ở các phiên giao dịch việc làm trực tuyến luôn thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực, nhóm ngành nghề".
Clip ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh chia sẻ về hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho lao động nữ trên 35 tuổi:
“Theo khảo sát năm 2023, Trung tâm tiếp nhận 15.000 hồ sơ xin nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó 20% hồ sơ là nữ trên 35 tuổi và 70% lao động nữ đã có việc làm trở lại. Tại khu vực Bắc Ninh, lao động nữ dễ tìm việc bởi các đơn vị tuyển dụng vẫn hướng tới tuyển các lao động nữ do đặc trưng các doanh nghiệp khu công nghiệp trên địa bàn sản xuất điện – điện tử đòi hỏi sự tỷ mẫn. Doanh nghiệp đưa ra nhiều tiêu chí và đãi ngộ để thu hút lao động. Với lao động nữ trên 35 tuổi, Trung tâm cũng phối hợp với các trung tâm dạy nghề, định hướng công việc, kỹ năng phù hợp với sức khoẻ, thể trạng”, ông Vũ Tiến Thành cho biết.
Còn ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Đơn vị thường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến trên hệ thống sàn việc làm của Hà Nội và kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh thành phía Bắc giúp các doanh nghiệp và người lao động tìm việc,, trong đó có lao động nữ. Tại các phiên giao dịch lưu động và chuyên đề, đơn vị tổ chức còn mờii các chuyên gia có kinh nghiệm đến để trực tiếp tư vấn với người lao động hướng nghiệp và về sức khỏe".
Về những khó khăn mà lao động nữ gặp phải, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho rằng, lao động nữ là đối tượng có nguy cơ cao trong diện cắt giảm nhân lực. Họ có nhiều thiệt thòi so với nam giới. Tính theo mặt bằng chung, mức thu nhập của lao động nữ cũng thấp hơn 13% so với lao động nam. Dù bận bịu với công việc nhưng khi về nhà, nữ công nhân lao động vẫn phải đảm trách công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái. Với lao động nữ trên 35 tuổi sẽ càng khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm ổn định, nhất là với ngành nghề không đòi hỏi nhiều kỹ năng.
Bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, từ thực tế của thị trường lao động ghi nhận lao động nữ làm công việc giản đơn gặp nhiều thách thức trong tìm việc sau độ tuổi 35. Ban cũng đã có khảo sát, nghiên cứu về vấn đề này để có giải pháp bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.
"Lao động nữ mất việc không có thu nhập nuôi gia đình còn đối mặt với những khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới. Bất cập hiện nay khi lao động sau khi đào tạo xong, nhất là được đào tạo sơ cấp, thời gian dưới 1 năm thường không tìm được việc làm phù hợp nếu chẳng may doanh nghiệp phá sản, giải thể do không đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Đồng thời, lao động nữ bị hạn chế về khả năng thích ứng với thị trường lao động do bất lợi về sức khỏe, khả năng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, nhất là những kỹ năng về công nghệ thông tin" bà Phương nhận định.
Rút ngắn sự bất bình đẳng
Trung tâm Phát triển và Hội nhập - tổ chức phi chính phủ của Việt Nam công bố số liệu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam hiện ở mức 72%, cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, có tới 81,6% lao động nữ chưa được đào tạo nghề và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trên thực tế, sự bất bình đẳng tồn tại cả về điều kiện việc làm, trả lương, lẫn trong thăng tiến nghề nghiệp. Khoảng cách lương giữa nam và nữ đang là gần 13%.
Đáng chú ý, những nữ công nhân lao động di cư có thâm niên, có gia đình và thu nhập ổn định thường có xu hướng gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bộ phận công nhân nữ trẻ đang trong giai đoạn lập gia đình, con nhỏ sau một thời gian ly hương có xu hướng trở về quê hoặc tìm kiếm việc làm tại những khu công nghiệp gần nhà.
Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn đã thường xuyên rà soát, phát hiện những khó khăn, bất cập của người lao động để chủ động hỗ trợ giải quyết, đưa vào thoả ước lao động tập thể. Định kỳ hằng tháng, hằng năm hoặc nhân dịp 8/3, 20/10, Ngày Gia đình Việt Nam… Các cấp Công đoàn đã đề xuất với người sử dụng lao động hoặc tìm các nguồn hỗ trợ để tặng quà cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng cả tiền mặt và hiện vật, trong số đó đa phần là lao động nữ trên 35 tuổi để họ ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
Đơn cử, trong tháng Công nhân (tháng 5) và tháng kỷ niệm ngày thành lập công đoàn (tháng 7), các cấp công đoàn cơ sở tổ chức chương trình khám sức khoẻ và tư vấn cho lao động nữ. Chị Đặng Thị Thuận, Công ty Công ty Yamaha Motor Việt Nam Factory) cho biết, Công đoàn Thủ đô, Công đoàn Công ty quan tâm tạo điều kiện để lao động nữ tham gia thăm khám sàng lọc ung thư miễn phí. Hằng năm Công đoàn Công ty vẫn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động. Hiện nay có nhiều mặt bệnh phức tạp, vì vậy việc được tầm soát bệnh thường xuyên và miễn phí như này sẽ giúp công nhân chúng tôi an tâm hơn và gắn bó với doanh nghiệp.
Đó cũng là lý do mà các lao động nữ gắn bó với doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt, chăm lo đến quyền lợi người lao động.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Công, chuyên viên phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Dreamtech (Bắc Ninh) chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử Lao động nữ chiếm khoảng 70%. Tại quy trình sản xuất khi có nhiều lao động nữ nghỉ thai sản sẽ khó khăn khi bố trí sản xuất dịp cao điểm. Đồng thời lao động nữ mang thai trên 7 tháng và có con nhỏ trên 6 tháng, đơn vị cũng không bí trí tăng ca. Đây là điều khó khăn vào dịp cao điểm sản xuất. Lao động nữ cũng phải chăm lo gia đình nên cũng khó khăn trong việc bố trí tăng ca. Tuy nhiên, do là đơn vị chuyên sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử nên lao động nữ thường sẽ làm việc chăm chỉ, chuyên cần, có trách nhiệm nên đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, lao động nữ cũng gắn bó với công ty lâu dài hơn”.
“Đơn vị xác định giữ chân lao động, đơn vị đưa ra nhiều chính sách, khi lao động nghỉ việc, bộ phận nhân sự tìm hiểu gặp gỡ để tư vấn, trao đổi để thuyết phục người lao động gắn bó. Đơn vị cũng xây dựng môi trường lành mạnh, tổ chức hoạt động vui chơi thể thao, giải trí, games. Công ty luôn xác định con người là ưu tiên số 1 trong kinh doanh và hướng tới người lao động để người lao động cảm thấy hạnh phúc. Đơn vị cũng thường xuyên tạo cơ hội học tập, nâng cao kỹ năng để họ gắn bó với công ty. Điều quan trọng nữa và có chế độ lượng thưởng tăng theo năm bởi 90% lao động nhảy việc là vì lương”, ông Nguyễn Văn Công chia sẻ.
Nắm bắt thực tiễn từ cơ sở, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam có nhiều chỉ đạo sâu sát, kịp thời nhằm thu hẹp khoảng cách về giới, thúc đẩy bình đẳng, công bằng cho lao động nữ. Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Điển hình như khi tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động 2019 và dự thảo Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, đơn vị đã chú trọng các nội dung về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, thực hiện chính sách không sa thải, chấm dứt hợp đồng cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Bảo đảm việc làm cho lao động nữ sau khi nghỉ thai sản, hỗ trợ lắp đặt phòng vắt- trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc, hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho lao động có con dưới 6 tuổi, đào tạo thêm nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ...
Bà Trần Thu Phương cho biết, tình hình việc làm của lao động nữ hiện nay có sự phân hóa theo ngành nghề, địa bàn hoạt động. Khu vực phía Bắc và miền Trung tình hình lao động, việc làm tương đối ổn định, ít bị xáo trộn. Khi bị mất việc làm, lao động nữ ngoài 35 tuổi dễ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới.
Trước tình hình đó, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ cho lao động nữ như: Triển khai kế hoạch hoạt động về chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc, trong đó chú trọng thực hiện chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính; ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên tái ký hợp đồng lao động đối với lao động nữ khi hợp đồng lao động hết hạn.
Đồng thời, đề xuất thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ được tính vào thâm niên công tác để thực hiện các chế độ lương, thưởng, phụ cấp, đào tạo và cơ hội thăng tiến; xác định tỷ lệ nữ trong cơ cấu lãnh đạo từ cấp phòng, ban, phân xưởng... trở lên; đề xuất chế độ đào tạo thêm nghề dự phòng cho lao động nữ, đặc biệt là những ngành nghề phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý của lao động nữ có tuổi; thực hiện các chế độ trợ cấp như: Trợ cấp đi lại, nhà ở, thâm niên, nuôi con nhỏ, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo …
Còn bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho biết, để đảm bảo việc làm cho lao động nữ, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn hỗ trợ tư vấn kỹ năng nghề, thể lực cho lao động nữ; tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý công việc, kỹ năng làm vợ, làm mẹ…; đồng thời, mở các lớp tuyên truyền, tư vấn pháp luật để lao động nữ hiểu về những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.