Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa cho ý kiến về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán (Âm lịch) 2025 và một số ngày lễ trong năm 2025.
Về lịch nghỉ Tết Nguyên đán, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với đề xuất nghỉ 9 ngày, từ ngày 25/1/2025 (26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Bên cạnh đó, về nghỉ lễ Quốc khánh, đơn vị này cũng thống nhất phương án nghỉ 2 ngày, trong đó có 1 ngày liền kề trước ngày 2/9. Như vậy, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp dịp này, từ ngày 30/8/2025 đến hết ngày 2/9/2025.
Với dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với đề xuất nghỉ 5 ngày, từ 30/4/2025 đến hết ngày 4/5/2025.
Theo phương án này, sẽ bố trí hoán đổi ngày làm việc bình thường (2/5/2025) sang thứ bảy ngày 26/4/2025.
Ngoài Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có công văn tham gia ý kiến về ngày nghỉ Tết Nguyên đán và một số ngày nghỉ lễ trong năm 2025. Các cơ quan này đều nhất trí với phương án nghỉ Tết Âm lịch như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, để trình Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động khu vực nhà nước.
Năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đề xuất 1 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2025 được nghỉ 9 ngày liên tục.
Cụ thể, lịch nghỉ Tết chính thức là từ thứ hai, ngày 27/1/2025, tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn, nối qua 29 tháng Chạp và 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết, tức hết ngày thứ sáu, 31/1/2025.
Tuy nhiên, liền trước 5 ngày nghỉ chính thức là 2 ngày nghỉ cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật ngày 25-26/1/2025. Sau những ngày nghỉ chính thức lại tới 2 ngày nghỉ cuối tuần tiếp theo, thứ bảy, chủ nhật ngày 1-2/2/2025.
Vậy nên thực tế, lịch nghỉ Tết Nguyên đán tới đây sẽ bắt đầu từ thứ bảy, 25/1/2025 đến hết chủ nhật ngày 2/2/2025 Dương lịch (tức hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Theo đại diện Bộ LĐTBXH), việc đưa ra phương án nghỉ Tết phải được xem xét kỹ lưỡng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhằm đảm bảo sự hợp lý cho cả người lao động và doanh nghiệp. Quy định này không chỉ xuất phát từ yêu cầu pháp lý mà còn từ nhu cầu thực tế của xã hội.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, các ngày nghỉ Tết Âm lịch, Quốc khánh 2/9, và các dịp 30/4, 1/5 đều được quy định rõ trong Bộ luật Lao động 2019. Tuy nhiên, lịch nghỉ Tết Âm lịch cụ thể hằng năm cần được sắp xếp một cách linh hoạt để đảm bảo tính thuận tiện cho người lao động và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng năm.
Theo ông Thắng, việc lập phương án nghỉ lễ hàng năm cần sự tham gia và thống nhất ý kiến từ 16 cơ quan, bộ ngành trung ương. Mục tiêu là để các bên liên quan đều có cơ hội đóng góp ý kiến.
Quy trình lấy ý kiến các cơ quan, bộ ngành được thực hiện từ tháng 8, tháng 9 của năm trước, và thường được Thủ tướng quyết định vào khoảng tháng 10, tháng 11. Điều này giúp các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động có thời gian để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nghỉ ngơi.
Cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ đưa ra ý kiến liên quan đến công chức, viên chức; Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ phản ánh ý kiến của người lao động và doanh nghiệp. Tất cả các ý kiến này sẽ được tổng hợp và lấy đa số để trình Thủ tướng phê duyệt.
"Việc thông báo sớm cũng giúp các đơn vị vận tải như đường sắt, hàng không có thời gian chuẩn bị, bố trí phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết. Nếu không có sự sắp xếp hợp lý, người dân có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt với những người làm việc xa quê", ông Hà Tât Thắng cho biết.