Video 3 dãy nhà tái định cư 'bỏ hoang' trên đất vàng giữa lòng khu đô thị:
Đáng nói, ba tòa nhà tái định cư này nằm ngay cạnh khu Vinhomes Riverside, khu vực có vị trí đắc địa, hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ đã hoàn thiện. Trong khi quỹ đất Thủ đô ngày càng bị thu hẹp, nhưng nhiều khu đô thị, tòa nhà tái định cư bỏ hoang hàng chục năm như thế này đang gây lãng phí nguồn lực đất đai, còn nhiều người lao động không mua được nhà giá thấp đã và đang trở thành nghịch lý.
Được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến nay, ba tòa chung cư tái định cư này vẫn không có người dân dọn đến sinh sống, do nhiều hộ dân không đồng ý việc nhận tái định cư bằng căn hộ thay vì đất nền, nên dẫn đến tính trạng khiếu kiện, không nhận nhà. Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3, trước đây là Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự án hơn 1.292 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, do bỏ hoang cả chục năm nay, nhiều hạng mục hạ tầng trong ba tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng, sảnh chính các tầng 1 thành nơi chứa kho hàng, phế thải; hệ thống cầu thang, cửa, điện nước, nội thất đã hỏng hóc; khu vực sân chơi, vườn hoa, đường nội bộ biến thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải ngổn ngang, nhếch nhác, cỏ cây mọc um tùm hoặc được tận dụng để canh tác hoa màu cho người dân từ nơi khác đến... Chỉ có tầng 1 của tòa nhà đang được sử dụng làm văn phòng của Ban Quản lý Khu đô thị Sài Đồng.
Nhiều người dân sống xung quanh khu vực các tòa nhà chia sẻ, các căn hộ tái định cư ở đây không ai đến ở, một phần do chất lượng công trình kém, nhà 6 tầng nhưng không có thang máy; một phần do tình trạng khiếu kiện kéo dài. Thậm chí, hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, khu vui chơi, sân thể thao, vườn hoa đều chưa hoàn thiện...
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi và yêu cầu UBND các địa phương đề nghị báo cáo, tổng hợp danh mục dự án, số lượng nhà ở tái định cư đã đầu tư xây dựng và việc bố trí, quản lý sử dụng nhà ở tái định cư; tổng hợp các dự án, số lượng nhà tái định cư không có nhu cầu sử dụng và có nhu cầu chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác; đồng thời, làm rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong việc quản lý, sử dụng nhà tái định cư. Tuy nhiên, đến nay, việc rà soát này vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, mặc dù trong quá trình phát triển hạ tầng khu đô thị tại các địa phương cần phải có nhà tái định cư, nhưng phải làm thế nào để phát huy hết thế mạnh của loại hình nhà ở này để đảm bảo cuộc sống của người dân bằng hoặc hơn nơi họ đã ở. Các khu tái định cư cần đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình hạ tầng xã hội xung quanh.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, hiện có thực tế là nhà tái định cư chất lượng khá hạn chế, nhanh xuống cấp, nên nhiều khu tái định cư xây dựng xong không có người dân vào ở, chuyển sang mục đích thương mại thì không đạt chất lượng. Để giải quyết tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, chính quyền các địa phương cần sớm có chủ trương chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, cải thiện chất lượng để cho thuê... để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội và mất mỹ quan đô thị. Vì thực tế, diện tích đất được bố trí xây dựng nhà tái định cư đa số ở vị trí thuận lợi, nhiều tiện ích. Bên cạnh đó, trước khi triển khai các dự án nhà tái định cư, chủ đầu tư phải khảo sát ý kiến và nhu cầu của người dân có đất bị thu hồi, điều tra xã hội học để nắm bắt nguyện vọng của người dân về tái định cư, điều kiện sống, thu nhập, nhân khẩu, việc làm... sau đó mới lựa chọn hình thức tái định cư phù hợp với nhu cầu chung của người dân.
Còn theo rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn thành phố đang xảy ra tình trạng căn hộ bỏ trống, người dân không chịu về ở do chất lượng kém. Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý, dẫn đến việc lãng phí và gây bức xúc trong dư luận. Thực tế, không riêng gì 3 tòa nhà tái định cư tại Khu đô thị mới Sài Đồng nêu trên, thành phố vẫn còn nhiều tòa nhà như vậy. Đơn cử, như Khu tái định cư thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C có khoảng 50% số căn hộ trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Hay khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai); khu nhà N5B Trung Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân)... cũng trong cảnh tương tự. Thống kê, Hà Nội hiện còn tới gần 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong từ lâu, nhưng chưa bàn giao được cho người dân. Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện.
Rõ ràng, nhà chung cư tái định cư đã và đang tồn tại nhiều bất cập. Trong đó nổi lên là về vị trí quy hoạch và chất lượng công trình, cũng như sự đầu tư về cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Tiếp nữa là cơ chế, chính sách, việc đặt hàng xây dựng nhà tái định cư; việc quản lý, vận hành khi đưa nhà vào sử dụng... Để giải quyết những bất cập này, TP Hà Nội cần sớm thẩm định, hoàn thiện chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng...