Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 - Bài 2: Mái ấm cho người cao tuổi

Với mục đích xây một mái ấm cho người cao tuổi tĩnh dưỡng lúc cuối đời, năm 2001, ông Nguyễn Tuấn Ngọc (người đã có 13 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội) đã xây dựng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên thiên đức (quận Bắc Từ Liêm), nhà dưỡng lão theo mô hình dịch vụ đầu tiên tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhờ đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với các loại bệnh, sức khỏe của NCT tại trung tâm đều được cải thiện. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Tuy nhiên, việc sống ở nhà dưỡng lão là một quan điểm hoàn toàn mới lạ đối với những người cao tuổi ở Việt Nam. “Liệu có thích nghi được với cuộc sống đó không?” là băn khoăn của nhiều người trước khi bước chân vào cuộc sống ở nhà dưỡng lão. Thêm vào đó, quan niệm đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão là bất hiếu cũng là những rào cản khiến việc chọn cho người cao tuổi một môi trường sống phù hợp để nâng cao tuổi thọ cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Vượt qua định kiến
 
Đến Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên thiên đức tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm đúng giờ các cụ đang tập ở phòng phục hồi chức năng, chúng tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp, chia sẻ giữa các nhân viên trung tâm với các bậc cao niên ở đây. 

Đang được điều dưỡng viên hướng dẫn tập đi, một cụ bà gần 80 tuổi vào trung tâm được 3 tháng cho biết, cụ bị tai biến, mặc dù ở nhà có đủ con cháu nhưng vào đây được phục hồi chức năng hằng ngày, bệnh của cụ  đã chuyển biến rõ. Trước đây cụ không thể đứng lên được nhưng nhờ tập luyện giờ cụ đã tự đứng và đang tập đi.

Ngoài số ít người không lập gia đình, còn lại phần lớn người cao tuổi sống ở trung tâm đều có con cháu nhưng vì nhiều lý do lúc về già họ chọn đến trung tâm dưỡng lão.
 
Cụ Nguyễn Thị Tâm ở quận Đống Đa (Hà Nội) 79 tuổi, dù có 3 người con, trai gái đủ cả nhưng cuối đời cụ đã bán căn nhà đang ở một mình được 2 tỷ, gửi tiết kiệm được lãi 14 triệu/1 tháng để vào sống tại trung tâm dưỡng lão. Với chi phí mức 11 triệu/1 tháng, sống trong căn phòng 2 người ấm cúng, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi, ngày nào cụ cũng được nhân viên trung tâm chăm sóc sức khỏe chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, cụ cảm thấy yên tâm hơn hẳn.

 Cụ Nguyễn Quỳnh Ngọc vốn là giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia, năm nay 82 tuổi. Cụ có một con gái sống ở nước ngoài nhưng cụ cũng không theo con mà tự nguyện vào sống tại trung tâm. Gương mặt luôn rạng rỡ và trẻ hơn hàng chục tuổi so với tuổi thật của mình, cụ chia sẻ: "Sống ở đây tôi cảm thấy yên tâm vì nhân viên rất tận tình, chu đáo".

 Chúng tôi đã đến thăm tổ ấm của vợ chồng cụ Phạm Thị Tuyết Hằng ở Hà Nội. Vừa tiếp khách đến thăm, cụ Hằng cho biết, hai cụ có 2 con trai đều sinh sống ở Nhật Bản. Khi về hưu các cụ theo con sang Nhật nhưng con cháu lại đi làm, đi học suốt ngày. Cụ ông năm nay 83 tuổi bị bệnh suy giảm trí nhớ alzheimer rất hay đi lạc nên ông bà quyết định trở về Việt Nam và vào sinh sống tại trung tâm dưỡng lão. “Mô hình này rất tốt được theo dõi, chăm sóc sức khỏe thường xuyên, khi ốm đau chỉ cần rung chuông là nhân viên có mặt hỗ trợ ngay. Cả tuổi trẻ vất vả kiếm tiền cho con cháu chưa chắc họ đã cần nên để tiền dành dụm chăm sóc tuổi già là ý nghĩa”, cụ Hằng nói.

Tại trung tâm bắt gặp những cụ bà vào thăm cụ ông, rủ rỉ chuyện trò. Một cặp vợ chồng  tranh thủ lúc rảnh rỗi vào thăm bố, chăm sóc bón cho cụ ông từng thìa cháo đã xóa nhòa những định kiến về việc bỏ mặc người thân sau cánh cửa trại dưỡng lão lâu nay.

Nâng cao chất lượng

Chú thích ảnh
Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi OriHome tại quận Hoàng Mai là một trong những mô hình dưỡng lão của thành phố đang cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện chất lượng cao cho người cao tuổi. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ở Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên thiên đức, ngoài việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, mỗi buổi sáng người cao tuổi đều được hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh, tập thở đúng cách để tăng cường thể lực; được xoa bóp, bấm huyệt hàng ngày, được phục hồi  chức năng phù hợp với bệnh lý của các cụ. Ngoài ra, trung tâm còn áp dụng các liệu pháp y học cổ truyền trong việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Người cao tuổi còn được tham gia các sinh hoạt nâng cao đời sống tinh thần và tâm linh, được giao lưu bầu bạn với người cùng lứa tuổi, được tham gia vào các hoạt động tập thể: thơ, khiêu vũ, câu lạc bộ… giúp người cao tuổi cảm thấy yên tâm như đang sống ngay trong ngôi nhà của mình.
 
Tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome địa chỉ tại phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) có nhiều người cao tuổi là bệnh nhân nặng sau điều trị đang được chăm sóc tại đây. Có người nằm liệt một chỗ, người thì thường xuyên bị kích động, có những hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng được bố trí ở phòng cách ly riêng, tránh xa các vật có thể gây nguy hiểm. Trung tâm lắp camera để nhân viên và người nhà có thể theo dõi người thân của mình 24/24 giờ. 

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Linh cho biết, tùy mức độ nặng nhẹ mà các cụ có chế độ chăm sóc khác nhau. Người già vốn khó tính, phải có lòng yêu nghề và tình cảm với các cụ như người thân trong gia đình thì mới chăm sóc tốt được. 

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên thiên đức cho biết, mức phí vào Trung tâm Bách niên thiên đức trung bình từ 7 triệu – 15 triệu/tháng, tiêu chuẩn VIP nhất là 20 triệu/1 tháng, tùy theo số người ở trong từng phòng. Hiện trung tâm  có thêm 2 cơ sở ở Nhật Tảo (Bắc Từ Liêm) và tại xã Minh Phú (Sóc Sơn), trong đó cơ sở ở Sóc Sơn được đầu tư hiện đại có khu hồ câu cá, bể bơi, sân tennis, khu nhà ở, khu nhà sàn… với nhiều thiết bị máy móc hiện đại nâng cao trí tuệ, phục hồi chức năng cho người cao tuổi. 

Theo ông Ngọc, đầu tư vào trung tâm dưỡng lão lớn nhưng thu hồi vốn lại nhỏ giọt, do đó cần xã hội hóa, đặc biệt là cần ưu tiên trong việc cấp đất và vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Ông Nguyễn Văn Tân (Nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) cho rằng, việc nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhà dưỡng lão… đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều người dân còn nặng tư tưởng người già phải sống gần con cháu hay con cháu phải có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, bố mẹ. Hiện cũng có khá nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng nhưng việc chăm sóc vẫn còn mang tính chất tự nguyện, chưa được lồng ghép trong các hoạt động chung.
 
Mặt khác, việc xây dựng các trung tâm dưỡng lão là rất cần thiết để tạo thêm một mái ấm cho người cao tuổi nhưng do giá dịch vụ rất cao nên không nhiều người già có điều kiện tiếp cận được mô hình này. Chính vì vậy, để người già được chăm sóc tốt hơn rất cần đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi trên địa bàn.
 
 Bài 3 - Giải pháp toàn diện chăm sóc người già

Tuyết Mai - Văn Cảnh (TTXVN)
Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 - Bài 1: Bất cập chăm sóc người cao tuổi
Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 - Bài 1: Bất cập chăm sóc người cao tuổi

Theo dự báo, đến năm 2038, tỷ lệ người già ở nước ta sẽ tăng lên 20%, gấp đôi năm 2011, đưa nước ta thành nước có dân số già. Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đặc biệt ở Hà Nội - thành phố đông dân thứ hai của cả nước, kéo theo tỷ lệ người cao tuổi trong cộng đồng ngày một tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN