Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 - Bài 1: Bất cập chăm sóc người cao tuổi

Theo dự báo, đến năm 2038, tỷ lệ người già ở nước ta sẽ tăng lên 20%, gấp đôi năm 2011, đưa nước ta thành nước có dân số già. Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đặc biệt ở Hà Nội - thành phố đông dân thứ hai của cả nước, kéo theo tỷ lệ người cao tuổi trong cộng đồng ngày một tăng cao.

 Để ứng phó với tình trạng già hóa dân số, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi vẫn gặp khó khăn, thậm chí cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. 

Chú thích ảnh
Quận Ba Đình (Hà Nội) khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi thuộc gia đình chính sách (sáng 11/7/2018). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

 

“Trẻ cậy cha, già cậy con” là quy luật muôn đời nay của người Việt Nam. Mong muốn được an hưởng tuổi già, được quây quần bên con cháu là nhu cầu chính đáng của người cao tuổi. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan không phải ai cũng có được hạnh phúc như vậy.
 
Trước guồng quay “cơm, áo, gạo, tiền”, nhiều gia đình chưa chăm sóc cha, mẹ được chu đáo. Người già cũng không thích ứng được nếp sống, sinh hoạt của con cái nên cảm thấy thiếu sự chia sẻ. Một số người già không có gia đình hoặc khi người bạn đời mất đi thì chấp nhận cảnh cô đơn… Bệnh tật tuổi già kèm theo sự thiếu thốn tình cảm đang là những vấn đề mà nhiều người già phải đối mặt trong xã hội hiện đại.

Đối mặt với cô đơn và bệnh tật
 
Theo điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam gần đây nhất, mô hình gia đình Việt Nam thay đổi chóng mặt, tỷ lệ người già sống cùng con cái giảm đáng kể, người già sống cô đơn tăng nhanh. Ngoài ra người già phải đối mặt với bệnh tật, đặc biệt là bệnh sa sút trí tuệ, kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2016 đối với trên 610 cụ trên 80 tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trung bình 1 người cao tuổi mắc 6,9 bệnh; 33,6% lâm vào cảnh góa bụa; 8,2% cụ phải sống một mình, chỉ 17,7% sống với vợ hoặc chồng. 

Tại hội thảo sa sút trí tuệ quốc gia lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Hà Nội,  Giáo sự, Tiến sĩ Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, sa sút trí tuệ nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia lão khoa trên toàn thế giới cũng như ở nước ta. Tuổi thọ trung bình càng cao thì số người mắc bệnh này càng nhiều.
 
Bệnh sa sút trí tuệ gây ra chứng suy giảm trí nhớ, kèm theo đó là rối loạn về hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người cao tuổi. Biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ có nhiều giai đoạn, từ nhẹ đến nặng như: giảm trí nhớ (quên ngay điều mình vừa nói, quên đồ vật vừa để đâu đó...); giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ; thay đổi cảm xúc; giảm hoặc mất khả năng thực hiện các công việc hằng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống; mất định hướng về không gian và thời gian; rối loạn hành vi nặng; hoang tưởng, ảo giác...

Đối mặt với bệnh tật, thiếu thốn tình cảm, khiến chất lượng cuộc sống của nhiều người già bị suy giảm, việc kéo dài tuổi thọ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều bất cập

Chú thích ảnh
Đăng ký khám chữa bệnh tại Khoa Lão – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Hiện nay, không ít gia đình ở Hà Nội “bế tắc” trong việc chăm sóc người già, hoặc chỉ biết trông chờ vào người giúp việc. Mặt khác, nhiều người cao tuổi cũng không tìm được sự đồng cảm từ con cháu do vẫn giữ quan niệm “già cậy con” theo kiểu bắt con luôn ở bên cạnh, chăm sóc.

Ông Nguyễn Minh T. ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) là Đại tá Quân đội về hưu, năm nay xấp xỉ tuổi 90. Mặc dù con của ông cũng sắp lên chức ông, bà nhưng ông vẫn giữ kỷ luật như trong Quân đội. Từ khi vợ ông T. mất đi, con trai ông đi làm xa hầu như trưa nào cũng phải ngược đường gần 10 km để về nhà ăn cơm với ông. Nếu con không về thì ông thà nhịn đói chứ không chịu ăn cơm một mình. Thuê người giúp việc thì chỉ được năm bữa nửa tháng lại phải thay người mới vì không phù hợp, quá nan giải nên con trai ông T. đành nghỉ hưu sớm để ở nhà chăm bố. 
 
Nhiều người cao tuổi mặc dù đông con, đông cháu nhưng lại cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Ở khu chung cư Linh Đàm có những cụ ông, cụ bà sống cùng con cháu trong các căn biệt thự sang trọng nhưng cứ con cháu ra khỏi nhà đi làm là các ông bố, bà mẹ cũng xuống sân tìm người trò chuyện để tránh cảm giác vắng vẻ, cô quạnh.

Tại một phòng điều trị nội trú của bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội (Hà Nội) có 4 giường bệnh cho các bệnh nhân cao tuổi là 4 hoàn cảnh khác nhau. Bà Nguyễn Thị M. ở quận Cầu Giấy có 3 người con, trai gái đủ cả, kinh tế đều khá giả nhưng do không phù hợp với nếp sinh hoạt của con cháu, cảm thấy mệt mỏi, nên bà quyết định sống một mình trong căn hộ rộng hơn 100 m2 đã nhiều năm nay. Hay bà Nguyễn Thị X. ở thành phố Thanh Hóa, chồng mất đã lâu, có một cô con gái học ở Hà Nội sau khi tốt nghiệp lại đi làm ở Đà Nẵng. Không muốn con vừa đi làm lại thêm vất vả vì mình, bà ở lại Thanh Hóa sống một mình trong căn nhà mặt phố rộng thênh thang, khiến căn bệnh trầm cảm ngày một nặng thêm. Bà Nguyễn Ngọc L. ở quận Đống Đa, Hà Nội sống với con gái nhưng con gái bà cũng thường xuyên đi công tác xa…. Bình thường thì không sao nhưng mỗi khi trái gió trở trời bà L. luôn sống trong nỗi thấp thỏm, lo sợ…

Bất cập trong việc chăm sóc người cao tuổi ở các gia đình hiện nay không chỉ từ phía con cháu thiếu sự quan tâm, chăm sóc mà còn ở việc  có trường hợp con cháu tìm cách để “tận dụng” sức lao động của cha mẹ, khiến người cao tuổi bận rộn, mệt mỏi hơn đi làm như: thay người giúp việc trông con, cơm nước, thay người làm trông cửa hàng, làm bảo vệ...

Bày tỏ quan điểm, bà Nguyễn Thị Túy ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, đến lúc người già cũng phải thay đổi quan niệm dựa con. Người già cần thông cảm, rộng lượng và tìm cách sống độc lập để khỏi vướng bận con cháu mà mình cũng thanh thản tuổi già. Đến lúc yếu quá, không thể tự lo cho bản thân mới nên lụy con. Nếu cứ quẩn quanh lo cho cha mẹ già thì các con có thể mất cơ hội thăng tiến và không còn thời gian chăm sóc cháu nhỏ, chăm sóc bản thân. Và vào trung tâm dưỡng lão cũng là một lựa chọn cho các cụ có điều kiện kinh tế.
 
Hiện nay phần lớn người già đều chấp nhận hoàn cảnh mà chưa có một giải pháp hợp lý cho bản thân. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, cùng với sự chăm lo của các gia đình, tổ chức xã hội, thành phố Hà Nội đang triền khai thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025”. Các trung tâm dưỡng lão theo mô hình dịch vụ cũng được thành lập, đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, nhằm thích ứng với giai đoạn già hóa dân số hiện nay.

Bài 2 - Mái ấm cho người cao tuổi

Tuyết Mai – Văn Cảnh (TTXVN)
Chăm sóc người cao tuổi là cơ sở vững chắc cho sự phát triển trong tương lai
Chăm sóc người cao tuổi là cơ sở vững chắc cho sự phát triển trong tương lai

Tối 3/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6/6) với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN