Ngoài ra, Trung tâm đã theo dõi và dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, triều cường, sóng lớn trên các vùng biển; dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên toàn quốc; các bản tin dự báo xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2022 - 2023 phục vụ công tác phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp; dự báo đổ ải vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023...
Theo Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường, công tác quản lý, dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai khí tượng thủy văn được ngành thực hiện chi tiết đến tất cả các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Ngành Khí tượng thủy văn đã xây dựng và ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực theo dõi như: Quyết định Quy định về quy trình kỹ thuật và phân công trách nhiệm trong việc dự báo, cảnh báo mưa lớn định lượng; Quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Khí tượng thủy văn; Quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Cùng với đó, ban hành bổ sung bản tin dự báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng do gió mạnh trên biển theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện tốt nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngành tham mưu giúp lãnh đạo Bộ triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng, trình Bộ ban hành báo cáo tiềm năng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam gửi các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế vào tháng tháng 9/2022; đồng thời, chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, công bố báo cáo cập nhật, bổ sung đầy đủ về đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam gửi các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, để phục vụ công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ông Hoàng Đức Cường cho biết, ngành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo khí tượng thủy văn thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn; cập nhật cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong thời gian sớm nhất cho các cơ quan tuyên truyền nhằm kịp thời đưa thông tin tới lực lượng chức năng, người dân. Đồng thời, theo dõi, hướng dẫn các Đài, trạm khí tượng thủy văn về công tác quan trắc, cung cấp số liệu khí tượng thủy văn, kịp thời phục vụ tốt công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn...