Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại khu vực cảng cá Ngọc Hải. Ảnh: Lâm Khánh /TTXVN |
Trước diễn biến của cơn bão số 3 có hướng di chuyển và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình, chiều 18/8 Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu cùng lãnh đạo các bộ, ngành, UBND thành phố Hải Phòng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các tuyến đê và việc neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại bến cảng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Qua thị sát tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo, chính quyền thành phố Hải Phòng tập trung, sát sao chuẩn bị tốt công tác phòng chống bão số 3 với tinh thần "4 tại chỗ"; đặc biệt quyết liệt chỉ đạo bảo đảm an toàn tuyệt đối an toàn cho nhân dân và khách du lịch; khẩn trương kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ vào nơi trú tránh và hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền đã về đất liền neo đậu đảm bảo an toàn; do cơn bão đi nhanh hơn dự báo nên phải thực hiện cấm biển để bảo đảm an toàn. Các địa phương tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão mạnh nên các địa phương ven biển không thể chủ quan trước tình hình mưa bão. Chính quyền các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đê, hồ đập; tăng cường tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo quy định, chủ động việc tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho hơn 5.000 ha nuôi trồng thủy sản; triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị để chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng đã phân công 5 đoàn công tác trực tiếp về các địa phương để theo dõi chỉ đạo công tác phòng chống bão. Đến 17 giờ ngày 18/8, lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm đếm hơn 2.500 phương tiện với hơn 7.700 người đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các vị trí dự báo chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong đó đặc biệt lưu ý có 20 phương tiện đang hoạt động cách đảo Bạch Long Vĩ từ 1 đến 15 hải lý.
Trong chiều 18/8, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương, ngành hoàn thành việc kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, lồng bè di chuyển về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, không để người trên các phương tiện; kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, khơi thông dòng chảy, hạ mức nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống thoát nước đô thị; cấm biển dừng các hoạt động vận tải hành khách đường thủy, phà biển, dừng các hoạt động vui chơi giải trí ven biển. Đồng thời, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện phương án sơ tán dân ở những khu vực trũng thấp, nhà ở xung yếu trước 12 giờ ngày 19/8; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình đang xây dựng có biện pháp đảm bảo an toàn công trình, tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để triển khai chống bão, ngành giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
* Ngay sau khi kiểm tra, thị sát công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại Hải Phòng, tối 18/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Quảng Ninh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, tỉnh đã phân công thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đến các địa bàn kiểm tra, chỉ đạo, theo dõi thường xuyên tình hình của bão. Lực lượng Biên phòng đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định. Có 8.063 tàu thuyền trong đó có 410 tàu đánh bắt xa bờ, 543 tàu du lịch đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Các lực lượng thường trực đã bố trí 100% quân số để triển khai khi có tình huống cần ứng cứu. Các vị trí ách tắc dòng chảy khi có mưa lớn đã bố trí lực lượng khơi thông. Các ngầm tràn cũng có lực lượng cảnh báo người dân không qua lại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống bão số 3. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN |
Rút kinh nghiệm các đợt mưa bão trước, việc thông tin tuyên truyền với người dân là hết sức quan trọng, tỉnh đã tổ chức xe thông tin lưu động đến các khu phố, nhắc nhở, tuyên truyền nhân dân không chủ quan, chủ động có phương án tại chỗ. Các phương tiện hoạt động trên các tuyến đảo đã dừng hoạt động từ 13 giờ chiều 18/8 để đảm bảo trú bão an toàn. Các lồng bè được gia cố, cương quyết di dời người dân lên khỏi lồng bè. Các hồ đập đều có phương án điều tiết nước, đảm bảo lượng nước ở mức an toàn, không để xảy ra nguy cơ vỡ đập. Quảng Ninh đã di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, một số vị trí xung yếu, nhất là chân bãi thải của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, các nhà chung cư nguy hiểm.
Lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, lấy mức độ ảnh hưởng của đợt lụt lịch sử tháng 7/2015 làm tiêu chí để thực hiện phòng chống, trước khi bước vào mùa mưa bão năm 2016, Tập đoàn đã chủ động triển khai các phương án ứng phó. Ở những điểm bãi thải, các đơn vị đã thiết kế hệ thống thoát nước khỏi khai trường, thoát nước bề mặt, chân bãi thải có đập chắn, kè chắn chân taluy. Hệ thống thoát nước hầm lò được nâng cấp, nâng cao năng lực thoát nước. Mông Dương - mỏ than có nhiều nguy cơ tiềm ẩn nhất đã được nâng cao năng lực thoát nước, lắp đặt thêm bơm và nâng công suất bơm, san lấp các hố nước để giảm lượng nước ngấm vào trong mỏ. Các mỏ than lộ thiên đều có hệ thống thoát nước từ các bờ tầng, hạn chế tối đa nước vào khai trường, việc thoát nước không ảnh hưởng đến khu dân cư. Các khu cảng đều có hệ thống che chắn tránh trôi mất than.
Tại huyện đảo Cô Tô, báo cáo của huyện cho thấy từ chiều 18/8 trên địa bàn đã có mưa và gió cấp 5-6. Từ 10 giờ trưa 17/8, các lực lượng đảm bảo phòng chống lụt bão đã di dời 300 khách du lịch vào đất liền. Hiện tại đây còn 9 khách du lịch, trong đó có 1 khách nước ngoài. Huyện đã chuyển số khách này đến các khách sạn đảm bảo kiên cố. 26 tàu cao tốc đã cập về phía Vân Đồn an toàn. Đến chiều 18/8, huyện đã kêu gọi 382 tàu thuyền, 7 lồng bè vào nơi khu tránh trú an toàn, vận động 105 người dân ở trên các lồng bè, tàu thuyền vào nhà văn hóa thôn, khu đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân cũng như các thủy thủ. Huyện phân công lực lượng công an, biên phòng ứng trực, vừa bảo vệ tài sản của nhân dân và vừa xử lý các tình huống phát sinh.
Hiện tại Cô Tô có 46 hộ dân có nhà ở nhưng thiếu kiên cố. Huyện đã thực hiện phương án di dời toàn bộ hộ dân ở nhà xập xệ ra nhà văn hóa an toàn trước 19 giờ, chuẩn bị bao cát gia cố hồ chứa nước ngọt, kè biển, tuyến đường. Huyện thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phân công các lực lượng nằm bám địa bàn để đảm bảo an toàn.
Theo Phó Thủ tướng, các cuộc họp của Chính phủ chiều 18/8 đều hủy và hoãn để tập trung cho phòng, chống bão. Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung 3 đoàn công tác của Chính phủ đi về các địa phương kiểm tra công tác này. Phó Thủ tướng nêu rõ đây là cơn bão có phạm vi rộng, cường độ, cấp độ lớn, lượng mưa dự báo 200 – 300mm. Cơn bão càng vào đất liền càng mạnh, đúng lúc triều cường nên tỉnh Quảng Ninh không được chủ quan.
Đề nghị Quảng Ninh rút kinh nghiệm từ trận lũ lịch sử năm 2015, Phó Thủ tướng cho rằng, nguy cơ rủi ro của Quảng Ninh là rất lớn, có những địa bàn xung yếu, tỉnh cần quán triệt tinh thần “4 tại chỗ”, phương châm phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, tính mạng người dân phải đặt lên cao nhất, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ, kể cả trước, trong và sau bão. Tỉnh chuẩn bị kịp thời để đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động khác của các cấp ủy, chính quyền, người dân trở lại bình thường ngay sau bão.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần cương quyết di dời dân ở những địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ ống, sạt lở đất; có giải pháp chống ngập úng đô thị, bảo đảm an toàn, chống sạt lở. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty than Đông Bắc cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền. Các hầm lò cần rút phương tiện ra để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị; đảm bảo nguồn điện cho công tác phục vụ sản xuất, bơm tiêu úng, vận hành điện an toàn, đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp.
Phó Thủ tướng lưu ý Quảng Ninh cần có phương án đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng các công trình xây dựng. Là tỉnh có hệ thống đê biển, đê sông dày đặc, nhiều nơi xung yếu, khả năng chống chọi của hệ thống kè biển thấp, tỉnh không thể chủ quan, phải sẵn sàng các phương án. Đồng thời, chủ động phương án tìm kiếm cứu nạn khi sự cố xảy ra nhất là lũ quét, sạt lở đất, sạt lở hầm lò, lũ ống; dự trữ thực phẩm cho người dân trong trường hợp cần thiết.
* Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 3, chiều 18/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã về kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Nam Định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tuyến đê biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Sau khi kiểm tra việc kêu gọi sắp xếp tàu thuyền tại cảng cá Ninh Cơ, công tác gia cố đê biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao công tác ứng phó với cơn bão số 3 của tỉnh.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, Phó Thủ tướng yêu cầu, Nam Định cần chủ động hơn nữa, có giải pháp ứng phó phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, các lực lượng chức năng của tỉnh phải tập trung kêu gọi tất cả các tàu thuyền còn nằm trong vùng ảnh hưởng của bão vào nơi tránh trú an toàn. Các xã, thị trấn ven biển khẩn trương di dân tại các chòi canh ngao, lều, chòi nuôi thủy sản bên ngoài đê biển vào bờ.
Phó Thủ tướng đề nghị, các huyện, thành phố của tỉnh Nam Định rà soát và có phương án di dời dân trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm sang các nhà cao tầng, kiên cố trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Các địa phương trong tỉnh tập trung bảo vệ các công trình xung yếu như: trường học, bệnh viện, kho tàng, cơ sở sản xuất...
Cùng với đó, Nam Định phải chú trọng kiểm tra, canh gác, gia cố các tuyến đê biển, đê sông, nhất là những đoạn đê kè xung yếu, bị bong xô, sụt, sạt, hư hỏng do bão số 1 vừa qua. Tỉnh cũng cần tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời, không để xảy ra vỡ đê, tràn đê ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; tiêu rút nước đệm, bảo vệ diện tích lúa mùa, hoa màu và vùng nuôi trồng thủy sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, địa phương đang dồn toàn lực, triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với bão số 3. Hiện tỉnh đã thực hiện cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang khẩn trương huy động toàn lực để gia cố các khu vực đê xung yếu; kêu gọi tàu thuyền và ngư dân vào bờ, phấn đấu mọi công việc sẽ hoàn tất vào sáng 19/8.
Nam Định hiện có trên 2.000 tàu với hơn 5.000 ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển; hơn 800 lao động tại 732 lều, chòi canh ngao, nuôi trồng thủy sản. Hiện Nam Định còn trên 300 tàu thuyền đang ngoài khơi. Các lực lượng chức năng của tỉnh đang khẩn trương kêu gọi các phương tiện vào nơi tránh trú an toàn...