Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là hệ thống công trình thủy nông có quy mô lớn nhất nước ta, thuộc phạm vi 3 tỉnh (gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước), được đưa vào vận hành khai thác từ năm 1985. Hệ thống được thiết kế phục vụ khai thác đa mục tiêu, gồm: Cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp (104.828 ha); công nghiệp và sinh hoạt (43,9 m3/s); xả trả lại dòng chảy môi trường cho hạ du sông Sài Gòn, góp phần đẩy mặn hỗ trợ tạo nguồn tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông; kết hợp phát điện bằng cách tận dụng lưu lượng xả môi trường với tổng công suất thiết kế 20,5 MW...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Lê Anh Tâm cho biết, hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi đặc biệt, quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 07/02/2017 và Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ). Đối với khu vực hạ du hồ Dầu Tiếng là sông Sài Gòn, đường thoát lũ chính khi hồ Dầu Tiếng xả lũ sẽ ảnh hưởng đến ngập lụt, sạt lở một số khu vực ven sông, khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó cần khẩn trương hoàn chỉnh xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ chứa nước Dầu Tiếng, rà soát lại hệ thống đê bao phòng lũ, phạm vi hành lang thoát lũ khi hồ xả lũ với lưu lượng lớn.
Hồ Dầu Tiếng là nguồn cấp nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An, cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn, hỗ trợ tạo nguồn tưới, xả dòng chảy môi trường, cải thiện môi trường, chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và các nhiệm vụ khác.
Để phát huy hiệu quả đa mục tiêu, đa giá trị của hồ Dầu Tiếng, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết đánh giá hiệu quả công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng sau gần 40 năm đưa vào quản lý, vận hành khai thác nhằm đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh... Đồng thời, nghiên cứu, định hướng phát triển hiệu quả hệ thống thủy lợi trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng ở các hạng mục như: Trang bị hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước hồ; kiên cố hóa 13 km kênh đất còn lại của kênh chính Tây; đầu tư thảm nhựa hai bên bờ kênh chính Đông, kênh chính Tây để kết nối giao thông với các tuyến đường ĐT.781, ĐT.784, Quốc lộ 22B. Ngoài ra, xem xét đầu tư cầu giao thông tại vị trí cầu Máng (K25+255) kênh chính Tây; sớm xem xét, tổng hợp bổ sung 2 công trình đê bao ngăn lũ, phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (kinh phí dự kiến 1.700 tỷ đồng) và Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 (kinh phí dự kiến 500 tỷ đồng) để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn công tác đề nghị, tỉnh Tây Ninh sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bám sát tình hình thiên tai, công tác vận hành các công trình thủy lợi, kịp thời ứng phó những tình huống thiên tai trên địa bàn tỉnh; rà soát phương án thực hiện “4 tại chỗ”, chú trọng chuẩn bị lực lượng nhân lực, vật tư, lương thực... Trong đó, có phương án, kịch bản bảo vệ và vận hành hồ Dầu Tiếng khi xảy ra trường hợp thiên tai khẩn cấp. Đối với những đề xuất của tỉnh, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành có liên quan sớm tháo gỡ.