Kiểm soát chặt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 xảy ra tại Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương giáp biên giới tăng cường công tác phòng ngừa và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới. Ngành y tế Lạng Sơn chủ động xây dựng các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn Triệu Cao Tấn cho biết, để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, ngành đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị và cơ sở vật chất như khu vực cách ly, các phòng cách ly tạm thời và điều trị lâu dài; các phương tiện vận chuyển bệnh nhân chuyên dụng; các loại vật tư hóa chất, thuốc Tamiflu, trang bị phòng hộ…

Đơn vị đã thống nhất với phía Trung Quốc, khi có công dân là người Trung Quốc đi từ vùng dịch, có triệu chứng cúm, xuất cảnh sang Việt Nam, bên Trung Quốc sẽ không cho xuất cảnh. Ngược lại, khi công dân Việt Nam có triệu chứng cúm, phía Việt Nam cũng sẽ không cho xuất cảnh sang Trung Quốc.

Nếu tình huống công dân Trung Quốc sang Việt Nam mới phát hiện, nghi ngờ mắc bệnh, cũng sẽ được cách ly tại phòng cách ly ở cửa khẩu, sau đó các lực lượng chức năng tại cửa khẩu sẽ hội ý với lực lượng chức năng bên nước bạn để tư vấn cho công dân nghi nhiễm bệnh nên quay lại, không tiếp tục thực hiện chuyến đi.

Trường hợp là công dân từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam, khi qua cửa khẩu, qua các máy đo thân nhiệt phát hiện thân nhiệt cao, có biểu hiện của bệnh cúm sẽ được cách ly ngay tại cửa khẩu. Sau đó, công dân này sẽ được kiểm tra trực tiếp, nếu có triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm, lực lượng y tế tại cửa khẩu sẽ thông báo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng bố trí xe chuyên dụng đưa về khu vực cách ly tại Bệnh viện đa khoa thị trấn Đồng Đăng.

Đồng thời, Sở Y tế Lạng Sơn lấy mẫu bệnh phẩm, dùng xe chuyên dụng mang về Hà Nội để xét nghiệm và báo cáo tình hình với Bộ Y tế; đồng thời phối hợp với Đại sứ quán nước có công dân phát hiện mắc bệnh để có phương án chuyển về Hà Nội điều trị.

Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết: Với phương châm “phòng dịch từ xa và phản ứng nhanh”, hiện ngoài 2 máy đo thân nhiệt bằng camera tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Trung tâm đã lắp đặt một số máy đo thân nhiệt từ xa, tự động tại cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, ga Đồng Đăng và tăng cường thêm một số máy test nhanh đo nhiệt độ qua tai, qua trán tại các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu phụ - nơi chưa có các máy đo thân nhiệt tự động như Chi Ma, Bình Nghi, Nà Nưa, Na Hình, Co Sâu…


Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu như bộ đội biên phòng, hải quan... tiến hành kiểm tra y tế các đối tượng nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh qua biên giới.

Tại Bệnh viện đa khoa thị trấn Ðồng Ðăng - nơi tiếp nhận các bệnh nhân đầu tiên trên tuyến biên giới đã chuẩn bị sẵn khu vực cách ly riêng biệt và được chuẩn bị vật tư, hóa chất đầy đủ để xét nghiệm, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm H7N9.

Cán bộ, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Lạng Sơn chuẩn bị thiết bị y tế thuốc men sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN

Cùng với đó, tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Lạng Sơn bố trí khu vực cách ly ở Khoa Truyền nhiễm để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 nếu có. Bệnh viện đã chuẩn bị các loại máy móc và thiết bị tốt nhất như máy thở, máy truyền dịch, máy tạo ô-xy... các loại phương tiện thuốc men dự phòng để sẵn sàng điều trị bệnh nhân theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lương, Phó Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Lạng Sơn cho biết, Bệnh viện đã thành lập Đội Phòng chống cúm gồm các bác sĩ, nhân viên y tế ở các khoa, phòng như Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu, Khoa Nội 2, Khoa nội 1…, trong đó Khoa Truyền nhiễm là chủ chốt. Ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân tại đây, Đội Phòng chống cúm còn có nhiệm vụ lưu động hỗ trợ cho tuyến dưới.

*Tại Cao Bằng, ngành y tế tỉnh đã chuẩn bị nhân lực, thuốc men để điều trị nếu có bệnh nhân nhiễm cúm. Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết: "Cúm A (H7N9) rất nguy hiểm bởi khi gia cầm bị nhiễm dịch không có biểu hiện lâm sàng nên việc phát hiện khó khăn, khả năng lây nhiễm từ gia cầm sang người chiếm 30%".

Đặc biệt, Cao Bằng là một tỉnh biên giới, hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra thường xuyên ở khu vực các cửa khẩu, làm cho nguy cơ dịch cúm bùng phát là rất lớn. Vì thế, Sở Y tế Cao Bằng đang tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát để có kế hoạch phòng chống dịch cúm có hiệu quả.

Theo đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đầu mối chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch cúm; tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, phát hiện sớm ca bệnh hội chứng viêm đường hô hấp cấp để điều trị kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm.

Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cao Bằng tăng cường chỉ đạo giám sát công tác đảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm. Các cơ sở y tế chuẩn bị tốt khu vực điều trị, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện và thuốc sẵn sàng cấp cứu, cách ly và điều trị cho người bị nhiễm.

Các đơn vị thuộc ngành y tế tỉnh Cao Bằng phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các huyện giáp biên giới với Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về các biện pháp phòng, chống cúm A (H7N9); vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập lậu, ốm, chết.

Thái Thuần, Chu Hiệu (TTXVN)
Tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người
Tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Trước thực trạng dịch cúm A (H5N1) xảy ra thời gian qua và có nhiều khả năng lây lan trên diện rộng, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp phòng, chống dịch cúm trên gia cầm, cũng như phòng, chống dịch cúm lây sang người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN