Trong khi doanh nghiệp sản xuất “cật lực” thì không ít tư thương lợi dụng, găm hàng và bán ra nhỏ giọt để tạo cơn sốt ảo; còn người tiêu dùng thì bất bình, bức xúc vì phải mua sản phẩm với giá cao gấp 9-10 lần so với giá trị thực tế để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Theo tin từ Cục Quản lý Thị trường, từ ngày 31/1 đến ngày 7/2, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.206 vụ vi phạm đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát trùng, sát khuẩn với các hành vi vi phạm như không niêm yết giá, không bán đúng giá niêm yết, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm về nhãn, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Riêng trong ngày 7/2, lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ trên 370.700 khẩu trang các loại. Những thông tin này đang cảnh báo nguy cơ suy thoái về đạo đức kinh doanh, về văn hóa của một số doanh nghiệp, cơ sở phân phối sẵn sàng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tận thu lợi nhuận, thậm chí tạo thông tin giả bằng truyền thông sai lệch, không đúng sự thật gây bất an trong dân chúng về dịch bệnh nhằm trục lợi…
Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan quản lý Nhà nước cùng các lực lượng chức năng ráo riết vào cuộc, xử lý mạnh tay và nghiêm khắc với mọi trường hợp cố tình vi phạm hay trục lợi từ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV). Từ việc tàng trữ, thu gom và tăng giá bán bất hợp lý hay chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước sát trùng, thuốc sát trùng… ra nước ngoài để phòng, chữa bệnh thông qua kênh kinh doanh truyền thống hay thương mại điện tử cũng sẽ đều bị xử lý lập tức bằng cách rút giấy phép kinh doanh và xử phạt hành chính mà không cần thanh tra, kiểm tra, nếu trường hợp người dân có bằng chứng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tình trạng khan hiếm khẩu trang, dung dịch sát khuẩn vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Hiện tượng tăng giá xảy ra ở thời điểm đầu, nhưng đến nay đã được kiểm soát. Lực lượng quản lý thị trường vẫn luôn đề cao cảnh giác, tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động sản xuất khẩu trang, đặc biệt là các vật phẩm y tế kém chất lượng. Đáng lo ngại là gần đây, mới xuất hiện tình trạng khẩu trang y tế loại sử dụng 1 lần được thu gom để bán lại ra thị trường, rất nguy hiểm đối với sức khỏe của người sử dụng; hay như hiện tượng sản xuất dung dịch rửa tay, nước sát khuẩn giả…
Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với phía công an tích cực rà soát các điểm, cửa hàng phân phối thuốc tân dược, siết chặt quản lý để kịp thời phát giác vi phạm nhằm xử lý kịp thời; nếu cần thiết, có thể xử lý hình sự, ông Linh nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Văn Tú, cư dân tại Times City, Hà Nội cho biết, rất quan tâm tới diễn biến, tình hình dịch bệnh nCoV không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trong khi ở nhiều nơi, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng về tâm dịch là thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) với sự chia sẻ và khích lệ và sự hỗ trợ cả về vật chất, nhân lực để cứu giúp người dân gặp nạn… thì ở Việt Nam, nhiều nơi, nhiều hiệu thuốc và nhiều người lại nhẫn tâm trục lợi với người dân mua khẩu trang, nước rửa tay phòng chống dịch, anh Tú bức xúc.
Ngay tại Hà Nội, từ khi bắt đầu có dịch và đến nay có nhiều nơi, nhiều người (cả tổ chức và cá nhân) đang tình nguyện chia sẻ, phát khẩu trang miễn phí đối với người nghèo, người vô gia cư và cả những ai không đủ điều kiện, tài chính hay thời gian để tự trang bị và phòng, chống cho bản thân cùng gia đình trước nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch. Hay có nhiều cửa hàng tân dược, siêu thị... bán hàng, cam kết bán hàng như giá trước khi có dịch thì trên mạng xã hội vẫn tràn lan các quảng cáo, trang tin, bài viết giới thiệu, chào bán khẩu trang, nước sát khuẩn… đủ loại, đủ giá tiền mà về cơ bản là cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại ở thời điểm chưa có dịch bệnh. Tuy rằng, đã có không ít trường hợp một số hiệu thuốc, chợ thuốc tân dược bị siết chặt quản lý, bị phạt tiền rất nặng do các hành vi vi phạm song các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi vẫn chưa dừng lại, anh Tú nhận định.
Phản ánh thực trạng khan hiếm nguồn cung các vật tư y tế; trong đó, có mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, theo ông Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, thông tin từ các các nhà thuốc cung cấp cho biết, nguồn cung khẩu trang y tế và các loại thuốc, nước sát khuẩn đang khan hiếm, khó nhập được mặt hàng này trong thời điểm hiện nay. Vì lẽ đó, đã có nhiều cửa hàng, hiệu thuốc thuộc khu vực Chợ Thuốc Hapulico phải chưng biển thông báo: "Không có khẩu trang, Không bán khẩu trang y tế phục vụ người tiêu dùng". Động thái này thể hiện sự bất hợp tác, thậm chí là cố tình chứng tỏ thái độ “đứng ngoài cuộc” trước nỗ lực toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Trong khi đó, đại diện ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tuy khẩu trang không phải mặt hàng đang sản xuất hàng ngày đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex đã tổ chức sắp xếp dây chuyền, triển khai công nghệ để tập trung sản xuất khẩu trang.
Vinatex chủ trương các công ty may ở địa phương nào thì cung ứng sản phẩm ngay tại địa phương ấy. Tức là tập đoàn dùng mạng lưới doanh nghiệp dệt may phủ kín toàn quốc để tạo ra các điểm sản xuất và cung ứng khẩu trang tại chỗ.
Với những nỗ lực này chứng tỏ, khả năng thiếu hụt nguồn cung dẫn tới sốt ảo thị trường khẩu trang và vật tư y tế là rất khó xảy ra. Điều đó đồng nghĩa, với sự ra tay quyết liệt và nỗ lực quản lý của các cấp ngành sẽ nhanh chóng ổn định được thị trường khẩu trang, nước sát khuẩn... trong nay mai.
Mong rằng, dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát và khống chế. Mong rằng, các doanh nghiệp và cơ sở phân phối thuốc sẽ có thêm một cơ hội để nhìn nhận lại, tự vấn lại đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Đôi khi, có những điều tưởng chừng nhỏ bé những sẽ phải trả giá bằng uy tín, thương hiệu và bằng niềm tin của người tiêu dùng.