Khẩn trương đưa du khách vào bờ, di dời hộ dân vùng nguy cơ sạt lở khi mưa bão

Để chủ động, sẵn sàng trong công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi tình huống do thiên tai có thể xảy ra, tỉnh Quảng Ninh và Lào Cai tổ chức, thực hiện phương án phòng tránh bão tốt nhất nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Chú thích ảnh
Tại đảo Cô Tô, hơn 500 tàu thuyền đang neo đậu. Ảnh: TTXVN phát

Tránh tình trạng du khách bị "mắc kẹt"

Khác biệt so với những mùa mưa bão trước các khách du lịch thường bị “mắc kẹt” trên đảo, năm nay, ngay trước khi có bão số 2, từ ngày 2/7, chính quyền địa phương đã tổ chức tàu đưa khoảng 4 ngàn khách du lịch khẩn trương vào bờ tránh bão.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong bão số 2, Quảng Ninh đã thực hiện lệnh cấm biển từ 11 giờ ngày 3/7 đối với tàu du lịch và tàu chở khách ra các tuyến đảo, riêng tàu ra đảo Cô Tô bị cấm sớm hơn, từ 6 giờ cùng ngày.

Các giải pháp đảm bảo an toàn cho những người ở lại trên các đảo cũng đã được chủ động triển khai.
Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) Trần Như Long cho biết, có tới 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 người nước ngoài tự nguyện ở lại đảo Cô Tô để "trải nghiệm" bão, cũng như chia sẻ với công tác chống bão của người dân huyện đảo tiền tiêu. Huyện đã có phương án hậu cần cũng như các phương án đảm bảo an toàn cho du khách trong những ngày mưa bão.

Ngoài ra, ở đảo ngọc Quan Lạn - Minh Châu (huyện Vân Đồn) cũng có 148 khách du lịch tự nguyện ở lại trên đảo để “đón” cơn bão số 2.

Để đảm bảo an toàn và phục vụ các khách du lịch, chính quyền các địa phương đã chủ động công tác hậu cần; tuyên truyền, vận động các cơ sở du lịch không chèn ép giá, giữ mức giá thuê phòng và các giá dịch vụ ăn uống ổn định.

Trước đó, mùa mưa bão hồi tháng 7 của các năm 2015 và 2017, có tới hàng ngàn du khách bị mắc kẹt dài ngày do mưa bão kéo dài.

Các phương tiện tàu chở khách không thể xuất bến đưa chở khách vào đất liền. Cá biệt năm 2015, do mưa to sóng lớn, tỉnh Quảng Ninh phải phối hợp với lực lượng hải quân đưa tàu quân sự ra đảo để vận chuyển khách vào bờ an toàn.

Rà soát các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét

Để chủ động, sẵn sàng trong công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi tình huống do thiên tai có thể xảy ra ngày 3/7, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu UBND các huyện thành phố trên địa bàn chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ lớn, lũ ống, lũ quét để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.

Dự báo trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ đêm 3/7 trở đi, thời tiết có mưa, mưa rào và dông rải rác; sau đó mưa gia tăng cả về lượng và diện, đợt mưa này kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trong đó, có ngày rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và kèm theo dông lốc mạnh.

Lượng mưa cả đợt phổ biến từ 50 - 150mm, có nơi mưa trên 180mm. Do đó, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, ngày 3/7, UBND tỉnh Lào Cai đã có Công điện số 04/CĐ-UBND về việc chủ động các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão. 

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển; chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn; có biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp không di chuyển. 

Bên cạnh đó, đơn vị chức năng tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ lớn, lũ ống, lũ quét để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy, không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú để kịp di chuyển về nhà khi có mưa bão, không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần nắm bắt đầy đủ thông tin của người dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ không để người dân qua những khu vực ngầm tràn khi có lũ, các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; kiểm tra trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tại chỗ nhằm sẵn sàng ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai (Cơ quan Thường trực công tác phòng, chống thiên tai) chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Sở phối hợp đôn đốc các huyện tổ chức sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Sở Công Thương tỉnh Lào Cai chỉ đạo các chủ đập hồ chứa thuỷ điện theo dõi chặt chẽ hồ đập trong thời gian mưa lũ, vận hành xả lũ theo đúng quy trình được duyệt, chủ động thông báo cho các địa phương phía dưới Hạ du trước khi xả lũ theo quy định.

Sở Giao thông vận tải - xây dựng Lào Cai luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo giao thông trong mọi tình huống và phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún, ngầm tràn, bến đò, đường bị ngập úng để người dân tham gia giao thông chủ động phòng, tránh.

Văn Đức - Hương Thu (TTXVN)
Công điện về ứng phó khẩn cấp với bão số 2
Công điện về ứng phó khẩn cấp với bão số 2

Hiện nay, bão số 2 (tên quốc tế là MUN) đang tiếp tục di chuyển về đất liền nước ta. Theo dự báo, bão số 2 có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Bộ, có thể xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN