Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực thi Nghị định 100/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020?
Nghị định 100/CP với mức xử phạt hành chính tăng nặng và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thật sự đã tác động trực tiếp đến sự chú ý của dư luận, nhất là các đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia. Chỉ sau hai ngày đầu năm mới áp dụng Nghị định 100/CP và Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cả nước đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thu nộp ngân sách trên 800 triệu đồng. Trong khi hầu hết các trường hợp vi phạm chấp nhận nộp phạt, thì không ít “ma men” bất hợp tác với lực lượng chức năng, tự ý bỏ đi hoặc tỏ ra “bỡ ngỡ” trước mức xử phạt, cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe của Nghị định, Luật mới.
Theo quy luật, ngày 1/1 hàng năm, TNGT và thương vong do TNGT tại hầu hết các nước trên thế giới có tỷ lệ lớn nhất. Tuy nhiên, trong hai ngày đầu năm mới, Việt Nam bình quân chỉ có 18 người/ngày, trong khi so với năm 2019, bình quân là 21 người/ngày. Kết quả ban đầu này cho thấy ngược với quy luật của thế giới. Có được kết quả trên là do sự ra quân đồng loạt của các lực lượng chức năng toàn quốc thực hiện Nghị định 100/CP và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đã tạo nên dấu ấn về việc đảm bảo ATGT, giúp kéo giảm TNGT. Đây là kết quả ban đầu, nhưng rõ ràng Nghị định 100 đã có tác động tích cực và cần tiếp tục duy trì kết quả này.
Nhiều ý kiến người vi phạm cho rằng, mức xử phạt theo Nghị định 100/CP là quá nặng so với thu nhập trung bình của người dân, dẫn đến việc nhiều người bỏ phương tiện để không chấp hành xử phạt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chế tài nặng không phải là để xử phạt, mà nhằm gửi thông điệp về chế tài răn đe đủ mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm, ngăn chặn TNGT từ gốc. Những trường hợp vi phạm không hợp tác hoặc chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý, các lực lượng chức năng thực thi pháp luật thì đều thực hiện đúng quy định của pháp luật để kịp thời răn đe.
Bên cạnh đó, qua tổng hợp phản ánh của các địa phương, mặc dù mức xử phạt cao, nhưng Nghị định 100/CP và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Song, để Nghị định, Luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả như việc đội mũ bảo hiểm trước đây cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Ngoài ra, mỗi người tham gia gia thông cần tự mình nâng cao ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATGT, nhất là không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.
Ngoài mức xử phạt cao để răn đe, việc tuyên truyền tới các nhà hàng, quán ăn cùng chung tay đảm bảo an toàn giao thông cho khách hàng đóng vai trò quan trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia tại các hàng quán chiếm khoảng 70%, trong đó, khoảng 40% người say rượu bia vẫn tự lái xe về nhà, với tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ khoảng 36%. Vì vậy, giải pháp đưa người sau khi đã uống rượu bia về nhà được xem là giải pháp tốt giúp giảm TNGT liên quan đến hành vi này.
Ủy ban ATGTQG đã và đang tập trung tuyên truyền tới các nhà hàng, quán bia cam kết, phối hợp thực hiện khuyến cáo với khách hàng uống rượu bia có văn hóa và “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Thực tế, có rất nhiều lựa chọn để người dân sau khi sử dụng rượu bia, mà không phải lái xe, như: Có thể đi nhờ người khác về nhà; gọi điện thoại cho người thân đưa đón; di chuyển bằng xe buýt, taxi hoặc thay vì uống rượu bia tại hàng quán xa nhà, có thể tìm hàng quán gần nhà để đi bộ… Nếu các cơ quan, đơn vị tổ chức sự kiện, có sử dụng nhiều rượu bia thì cần bố trí phương tiện thích hợp đưa mọi người về sau khi uống. Khi đó, rủi ro TNGT sẽ gần như không có.
Hy vọng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu bia muốn thu hút khách hàng cũng phải nhìn những chế tài xử phạt nặng đủ sức răn đe, để nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ lợi ích cho khách hàng.
Xin cảm ơn ông!