Xét xử hai nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm
Từ ngày 2/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hai bị cáo là nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định đề quản lý đất đai".
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND thành phố Đà Nẵng. Vì những động cơ khác nhau, Trần Văn Minh và các đồng phạm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014 giúp cho Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, Trần Văn Minh và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà đất công sản và 6/7 dự án đất trên cơ sở tạo cơ hội cho Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi.
Hậu quả, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà đất công sản là trên 2.400 tỷ đồng; tại 7 dự án là trên 19.600 tỷ đồng. Tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó riêng Dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước số tiền Nhà nước đã thiệt hại là trên 11.200 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2014, bị cáo Trần Văn Minh và bị cáo Văn Hữu Chiến là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, các bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai như: Đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản và các dự án đầu tư xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng các nhà đất công sản và các dự án này.
Trong đó, bị cáo Trần Văn Minh với cương vị là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký ban hành nhiều văn bản về chủ trương khai thác quỹ đất và bán nhà công sản, quy định cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất, chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Từ những quy định này đã tạo điều kiện cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhiều dự án bất động sản và nhà, đất công sản tại những vị trí thuận lợi, có giá trị sinh lời cao tại thành phố Đà Nẵng không qua đấu giá quyền sử đụng đất, gây thiệt hại đặc biệt lớn đối với ngân sách Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân và gây bức xúc trong xã hội.
Đến chiều 4/1, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới đồng ý cho bán chỉ định, không qua đấu giá, đồng ý cho giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lợi… Song bị cáo Minh không thừa nhận những chỉ đạo này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều căn cứ để khẳng định những chỉ đạo này vi phạm pháp luật.
Trước đó, trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, các bị cáo là cấp dưới của bị cáo Minh đều thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, khẳng định các sai phạm của họ xuất phát từ việc thực hiện các chủ trương, quyết định, chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Minh với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Trả lời thẩm vấn của Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Minh cho biết 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát xác định có sai phạm và bị truy tố trong vụ án là tài sản nhà nước. Liên quan tới việc bán 22 nhà đất công sản này, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng việc bị cáo ký các công văn liên quan đến việc cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất đối với các cá nhân, tổ chức đã nộp đủ tiền khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cho phép thay đổi tên người sử dụng đất là căn cứ vào Nghị định 38/2000/NĐ-CP ngày 23/8/2000 của Chính phủ. Trong Nghị định 38 có quy định giảm 20% hoặc cho nợ 5 năm tiền sử dụng đất, do đó việc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định chỉ giảm 10% là đã thu lãi cho ngân sách nhà nước. Do vậy, bị cáo Minh cho rằng chỉ đạo của bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về điểm này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ, Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993, trong khi toàn bộ 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát truy tố ở vụ án này được xác định sai phạm tính từ 2004 đến năm 2014, được áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Mặt khác, Nghị định 38 đã được thay thế bằng Nghị định 198 năm 2004. Theo quy định của Nghị định 198 thì những người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.
Trình bày tại tòa, Giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng nêu ý kiến: Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê để ở thì phải bán theo Nghị định 61, nếu bán theo Nghị định 61 thì người mua mới được giảm 10% giá bán với điều kiện thanh toán một lần ngay sau khi ký hợp đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Minh đã ký ban hành Quyết định số 8712 ngày 1/11/2007 có quy định: “Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện do các tổ chức, cá nhân đang thuê ở, khi được UBND thành phố phê duyệt quyết định bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất theo diện công sản, nếu nộp tiền 1 lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định bán thì được giảm 10% tiền sử dụng đất (không giảm tiền nhà)”. Theo giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng, nội dung này là trái với Nghị định 61.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 2/1/2020 đến ngày 15/1/2020, bao gồm cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Áp dụng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo luật mới
Từ 1/1, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã tiến hành xử phạt những người vi phạm nồng độ cồn khi điểu khiển phương tiện giao thông.
Hiện các địa phương trong cả nước đã đồng loạt triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ). Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) (Bộ Công an), sau 2 ngày (từ ngày 1- 2/1) triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phạt tiền hơn 816 triệu đồng đối với 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Điểm nổi bật của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là đã bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ; điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt, như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc… .
Đáng chú ý, một số người vi phạm nồng độ cồn, khi được lực lượng chức năng thông báo mức phạt cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe (của luật mới) đã phản ứng dữ dội, sau đó bất hợp tác với lực lượng chức năng, tự ý bỏ đi.
Bên cạnh đó, nhiều người vi phạm tỏ ra “bỡ ngỡ” trước mức xử phạt cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe của Nghị định mới.
Theo ghi nhận, tại Hà Nội, đã có 2 trường hợp bị phạt tới 35 triệu đồng, một trường hợp bị tước giấy phép lái xe 23 tháng. Thậm chí có trường hợp còn mạo danh Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo để gây sức ép, buộc lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm. Tại TP. Hồ Chí Minh, có vài trường hợp sau khi “gọi điện thoại cho người quen” không được đã tự ý bỏ đi, không hợp tác với lực lượng chức năng.
Cũng theo hồ sơ từ Cục CSGT, nhiều trường hợp có biểu hiện say xỉn khi đến ngã tư thấy tổ công tác đang làm nhiệm vụ đã đối phó bằng cách xuống xe dẫn bộ qua khỏi chốt xong tiếp tục leo lên xe đi tiếp.
U23 Việt Nam chuẩn bị cho Giải U23 châu Á 2020
Chiều 1/1, đội tuyển U23 Việt Nam đã lên đường sang Thái Lan tham dự VCK U23 châu Á 2020.
Mặc dù tới ngày 10/1 đội tuyển mới bước vào trận ra quân tại VCK U23 châu Á 2020 gặp đối thủ U23 UAE nhưng việc được tạo điều kiện sang Thái Lan sớm sẽ giúp thầy trò HLV Park Hang-seo có sự bắt nhịp tốt hơn với điều kiện khí hậu cũng như đồ ăn thức uống tại đất nước chùa Vàng.
Trước ngày lên đường, HLV Park Hang-seo đã chia sẻ: “Tôi ý thức được rõ ràng, U23 châu Á mang tầm vóc, ý nghĩa to lớn. Người hâm mộ và lãnh đạo rất mong chờ vào kết quả lần này. Tôi luôn luôn thể hiện tâm thế cố gắng không bao giờ để người hâm mộ Việt Nam phải thất vọng. Tôi và cùng tuyển thủ quyết tâm sẽ làm những điều to lớn cho bóng đá Việt Nam, kết quả tốt nhất cho Việt Nam”.
Chiều 3/1, đội tuyển U23 Việt Nam đã có trận đấu tập với Đội tuyển U23 Bahrain trên sân MOF Custom FC tại Bangkok (Thái Lan).
Trận giao hữu với đội tuyển U23 Bahrain là cơ hội để Huấn luyện viên trưởng Park Hang - seo tổng duyệt lực lượng và chiến thuật trước khi bước vào tranh tài tại Vòng chung kết U23 châu Á 2020, sau khi U23 Việt Nam có khá nhiều sự thay đổi về nhân sự so với lực lượng vừa giành chức vô địch tại SEA Games 30.
So với đội hình tham dự SEA Games 30 mới đây, đội tuyển U23 Việt Nam dự giải đấu lần này không có các trụ cột gồm: Hậu vệ phải Trọng Hoàng, hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu và tiền vệ trung tâm Hùng Dũng. Đây đều là những vị trí rất quan trọng, góp công lớn đưa đội bóng của Huấn luyện viên Park Hang Seo giành được Huy chương Vàng nội dung bóng đá nam SEA Games 30.
Theo kế hoạch, thầy trò Huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ tiếp tục tập luyện tại Bangkok (Thái Lan) tới ngày 6/1 và sẽ di chuyển đến Buriram – nơi U23 Việt Nam có trận đấu đầu tiên tại Vòng chung kết U23 châu Á gặp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào ngày 10/1.