Vốn dĩ tôi là người uống rất ít rượu, có khi chỉ là một vài chén nhỏ trong những tiệc vui, vì thế nên tôi sợ phải đi dự tiệc cưới ở những nơi mà trào lưu nhà nhà, người người uống quá nhiều rượu. Ở những đám cưới nơi thôn quê ấy, khi mà mọi người ai cũng uống nhiều rượu, thì khi xuất hiện một khách uống được ít rượu kiểu như tôi thường sẽ khó lòng tránh khỏi việc bị ép uống, mà khi đã bị ép như vậy, nếu từ chối sẽ làm những người uống rượu nhiều không vui, còn tặc lưỡi uống hết mình thì chuyện bị say rượu khi tiệc tàn là điều gần như chắc chắn...
Trong trào lưu, phong tục uống rượu quá nhiều như vậy, nên trước lễ cưới các gia chủ đều phải chuẩn bị rất nhiều rượu. Rượu thường được tự nấu bằng ngô, gạo với độ cồn rất cao, khoảng 45-50 độ, và được chứa vào chai, lọ, bình, can... Theo như tôi biết, một đám cưới ở quê, “tiết kiệm” nhất, khi mỗi mâm bày một vài chai thôi thì cũng mất cỡ trên trăm lít rượu, còn nếu để khách uống thoải mái tiếp theo nhu cầu thì vài ba trăm lít là bình thường. Ở các vùng cao, nhiều đám cưới, gia chủ hết cả mấy chum rượu lớn, chứ người ta không đo đếm rượu bằng lít, bằng can...
Rượu vào nhiều, thường lời ra, và khi người ta say rượu thường không làm chủ được bản thân. Chẳng vậy mà các cuộc cãi vã, tranh luận, thậm chí là đánh lộn, chửi nhau trong tiệc rượu cưới là điều xảy ra như cơm bữa. Có khi chỉ là câu nói đùa đơn giản, nhưng do rượu sai khiến, đối tác cho rằng mình bị khích bác, nói đểu và rồi dẫn tới... cãi vã, chửi nhau, đánh nhau... Nói chung là uống quá nhiều rượu trong tiệc cưới thường mang tới nhiều phiền toái cho gia chủ hơn là vui!
Uống rượu trong tiệc cưới, khi mọi người cùng nâng chén nhấp chút rượu nồng để chúc mừng gia chủ, làm quen nhau trong bàn tiệc hội ngộ là một phong tục truyền thống đẹp không chỉ ở nước ta mà nó còn diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, phong tục đẹp ấy từ lâu đã, đang bị biến thành một hủ tục tại hầu hết các làng quê, thôn bản trên nước ta, khi mà ở đó người ta uống quá nhiều rượu, uống theo kiểu như “tắm” bằng rượu. Uống rượu nhiều không chỉ làm cho gia chủ tốn kém, phát sinh nhiều điều phiền phức mất vui, mà rượu còn là nguyên nhân gây nên nguy cơ hình thành nên rất nhiều bệnh tật cho người uống, mà điển hình nhất là các bệnh về gan mật.
Để hạn chế việc quan khách “tắm” rượu, và những hậu họa do rượu gây nên, thì các gia chủ có tiệc cưới nên hạn chế việc bày và tiếp nhiều rượu, mà chỉ nên để nơi bàn tiệc một chai rượu nhỏ đủ để mỗi người uống một chén nhỏ, gọi là chung vui...