Đó là khai thác bừa bãi mang tính hủy diệt nguồn lợi, chuyển đổi sự dụng đất lâm nghiệp tràn lan chia cắt nơi ở, vùng phân bố của sinh vật, gây ô nhiễm các nguồn nước, đất và không khí…Vì vậy, cần có định hướng cụ thể về chiến lược bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học có hiệu quả rõ ràng, để khắc phục các nguyên nhân suy thoái và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, trên cơ sở mối quan hệ qua lại chặt chẽ của đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Suy thoái ở cả 3 dạng
Đề cập về các thách thức đối với đa dạng sinh học của Việt Nam hiện nay, Giáo sư Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng nêu rõ: Suy thoái đa dạng sinh học ở cả 3 dạng là đa dạng sinh học các hệ sinh thái; đa dạng sinh học các loài; đa dạng sinh học gen di truyền đều bị suy thoái nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể là các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng như các rừng nguyên sinh trên cạn, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, đất ngập nước nội địa, ven biển… đều bị thu hẹp diện tích, thành phần và chất lượng các quần xã sinh vật ở các hệ sinh thái này đều bị suy giảm.
Tổng diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam năm 1943 có 14,3 triệu ha, với tỷ lệ che phủ là 43,8%, trên mức an toàn sinh thái là 33%, nhưng đến năm 1999 chỉ còn 10,88 triệu ha. Nguyên nhân chính làm mất rừng là do dân số tăng nhanh, nạn đốt nương làm rẫy tràn lan, quá trình khai hoang lấy đất trồng cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su và khai thác gỗ xuất khẩu. Tổng diện tích rừng ngập mặn cũng trong năm 1943 có tới 400.000ha, hiện chỉ còn 155.000ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm tỷ lệ rất thấp. Còn diện tích các rạn san hô (chưa kể hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) năm 2001 có 110.000ha, đến năm 2010 còn 14.000ha, chất lượng các rạn san hô cũng rất kém, nhiều loài đã chết.
Một chỉ số hiển thị suy thoái về đa dạng sinh học các loài là số các loài được ghi trong Sách đỏ. Qua 2 lần điều tra năm 1992 và năm 2007, số lượng các loài được ghi trong Sách đỏ đã tăng lên 1,5 lần. Trong đó thực vật có 37 loài rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Động vật có 4 loài tuyệt chùng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp. Bên cạnh đó, số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ cho sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế…đã mất đi khá nhanh, trong số này có rất nhiều gốc bản địa quý. Giai đoạn điều tra từ năm 1997-2006, về giống lúa từ 156 còn 75 giống; đậu tương 22 còn 9; lạc 14 còn 4; cà chua 14 còn 7; cao su 14 còn 2; cà phê 14 còn 5. Rất nhiều giống vật nuôi bản địa như lợn, gà, vịt, bò…nay đã mất giống.
Ngoài các nguyên nhân do con người gây ra, ngày càng rõ nguyên nhân gây suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam là do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Các nhà sinh thái học trên thế giới đã xác nhận tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học gồm: Tăng áp lực tiêu diệt các loài quý hiếm, phân bố hẹp, số lượng cá thể ít. Làm biến đổi, phân mảnh (do nước biển dâng cao) các hệ sinh thái biển, nhấn chìm một số đảo và dải bờ ven biển… Làm thay đổi vùng phân bố của các loài “nhạy cảm” với các yếu tố của biến đổi khí hậu như nhiệt độ, lượng mưa, lũ, hạn…
Các loài thích ứng với biến đổi khí hậu (giới hạn sinh thái phù hợp) sẽ có ưu thế trong cạnh tranh nơi ở và dinh dưỡng. Sự xâm hại gia tăng của các loài sinh vật ngoại lai. Tăng khả năng cháy rừng. Những tác động của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học sẽ ngày càng nguy cấp, đe dọa đa dạng sinh học ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Phải chặn đứng các nguyên nhân
Các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khẳng định, theo yêu cầu của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường), cả 3 nội dung là đa dạng sinh học-biến đổi khí hậu-phát triển bền vững phải được xử lý, điều chỉnh, phối hợp đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, muốn mối quan hệ giữa 3 nội dung được tốt nhất, cần phải làm cho tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học và phát triển bền vững đến mức thấp nhất. Đa dạng sinh học có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu và tác động tích cực đến phát triển bền vững. Còn phát triển bền vững hạn chế được tác hại của biến đổi khí hậu và đóng góp tích cực cho đa dạng sinh học.
Muốn chặn đứng các nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây hại đến đa dạng sinh học, cần thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nội dung yêu cầu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt số 1250 ngày 31/7/2013.
Chiến lược đã đề ra 5 nội dung nhiệm vụ Chủ yếu: Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên; Bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm; Sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học; Bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây chính là định hướng đặc biệt quan trọng nhằm khắc phục suy thoái đa dạng sinh học ở nước ta.
Tuy vậy, để chặn đứng các nguyên nhân gây hại đến đa dạng sinh học, cũng cần phải chỉnh sửa, bổ sung Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Bởi Chiến lược chưa đánh giá hết tác hại của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và khó lường như hiện nay. Đồng thời, Chiến lược mới đánh giá về thành tích của cơ quan quan lý, nhưng chưa đề ra hoạt động phối hợp giữa cơ quan chức năng bảo tồn đa dạng sinh học cùng với các ngành kinh tế-xã hội có liên quan.