‘Ì ạch’ tiến độ triển khai thu phí không dừng tại các trạm BOT

Dự án thu giá tự động không dừng trên Quốc lộ (QL)1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện đã chậm tiến độ so với mốc đến 30/4 phải vận hành tất cả các trạm BOT. Thực tế này cũng ảnh hưởng dây chuyền đến mốc cuối năm 2019, tất cả các trạm BOT thu giá trong cả nước phải thu phí không dừng nếu không giải quyết sớm.

Điểm mặt các trạm “ì ạch’

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Dự án thu giá điện tử không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có 24 trạm BOT áp dụng, hiện 18 trạm đã thông làn vận hành thương mại hai làn trung tâm. Còn 6 trạm nhà đầu tư BOT đã lắp thiết bị thu phí, gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Thuận, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, Cai Lậy, nhưng đang tạm dừng thử nghiệm thu giá, chưa vận hành thương mại.

Làn thu phí không dừng tại Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Trong khi mốc thời gian đặt ra đối với dự án là đến ngày 30/4/2018 sẽ thu phí điện tử không dừng tất cả các trạm. Nguyên nhân là do các trạm này đang chạy thử nghiệm nhưng chưa đạt, vì báo cáo đối soát doanh thu giữa hai hệ thống thu giá một dừng (MTC) và thu giá không dừng (ETC) chưa chuẩn để vận hành thương mại.

“Đơn cử, Trạm Bạc Liêu đã chạy thử từ ngày 14/4, trong quá trình chạy thử phát sinh một số lỗi như: Không nhận diện được biển số, báo cáo doanh thu chưa khớp, hệ thống thiết bị thu phí chưa được nâng cấp… nên không thể vận hành thương mại”, ông Toàn cho hay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí không dừng VETC (đơn vị phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện dự án) cho biết, 6 trạm trên lắp đặt hệ thống thiết bị thu phí không dừng của Công ty điện tử Cappro cung cấp trước khi có Tiêu chuẩn 2255/BGTVT của Bộ GTVT, không đồng bộ với hệ thống của VETC, nên đang phải nâng cấp, hiệu chỉnh. Bên cạnh đó, các trạm đã vận hành thử, nhưng chưa “khớp” số tiền giữa thu MTC và ETC.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết, tiến độ dự án đã chậm so với yêu cầu ngày 30/4 phải thông tất cả các trạm thuộc dự án. Nguyên nhân là do có nhiều trạm BOT chưa hợp tác chặt chẽ với VETC và Tổng cục. Từ đầu năm đến nay, số trạm vận hành vẫn dừng lại ở con số 18 trạm, mà chưa phát triển thêm được trạm nào. Tổng cục đã yêu cầu các nhà đầu tư trạm thu giá BOT bàn giao sớm cho VETC để cung cấp dịch vụ thu giá không dừng, nhưng các trạm vẫn “ì ạch”, nhất là việc bàn giao hợp đồng thu phí giữa nhà đầu tư BOT và VETC đã được ký kết.

Đẩy nhanh tiến độ

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, dự án thu phí tự động không dừng là chủ trương lớn của Chính phủ trong việc nâng cao tính công khai minh bạch trong thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, cũng như giảm ùn tắc giao thông và tiết kiệm chi phí xã hội, chi phí xăng dầu, thời gian lưu thông, giảm thanh toán tiền mặt và góp phần giảm tai nạn giao thông.

Điểm dán thẻ E-tag lưu động trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (phí BOT) theo hình thức điện tử không dừng, thì đến cuối năm 2018, hơn 2,8 triệu ô tô bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động (E-tag), nếu không sẽ bị xử phạt; đồng thời đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu giá còn lại trên toàn quốc đều phải thực hiện thu phí tự động không dừng tại tất cả các làn thu.

Trong khi đó, thống kê của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, trên toàn quốc hiện mới thực hiện dán thẻ E-tag cho hơn 544.000 ô tô, còn khoảng 2,3 triệu ô tô nữa chưa dán, nên từ nay đến cuối năm phải bắt buộc phải dán đối với các xe còn lại. Đến thời điểm này, QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 24/43 trạm thu giá mới triển khai thu phí không dừng trên 2 làn trung tâm; trên các tuyến quốc lộ khác có 32/45 trạm thu giá đang thu…

Được biết, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai dự án này muộn nhất đến tháng 7/2018 phải ban hành được Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 07/2017/QĐ-TTg về việc triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng và đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận.

Tuy nhiên, với tiến độ “ì ạch” như hiện nay, các mốc mục tiêu đặt ra đều khó có thể đạt được. Vì vậy, Tổng cục đường bộ Việt Nam và các nhà đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với VETC để tiến hành lắp đặt và vận hành các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên cả nước, cũng như tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư BOT và người dân trong việc thực hiện chủ trương này.
Qua tìm hiểu, việc thu giá dịch vụ điện tử tự động không dừng sẽ không làm tăng mức thu phí so với các hình thức thu hiện hành, bảo đảm quyền thụ hưởng của các nhà đầu tư, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, bảo đảm việc tích hợp cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời để phục vụ quản lý nhà nước, minh bạch trong thu giá.

Ngoài ra, với mỗi xe đã được dán thẻ E -tag, khi qua hệ thống sẽ phát hiện được ngay xe nào biển số giả hay hết hạn đăng kiểm... Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phát triển hệ thống để kết nối với Bộ Công an, nhằm phát hiện vi phạm an toàn giao thông của xe đi qua trạm. Hơn thế nữa, nếu lắp hệ thống thu giá tự động sẽ minh bạch và chống được gian lận của nhân viên thu phí.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 mới có một đơn vị quan tâm
Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 mới có một đơn vị quan tâm

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 -Bộ Giao thông Vận tải (Cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền dự án thu phí (thu giá) dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng) vừa cho biết, ngày 9/4, Dự án Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 sẽ bắt đầu phát hành hồ sơ mời sơ tuyển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN